Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Nhà mua hàng toàn cầu đề cao nhà cung ứng có trách nhiệm
Hải Yến - 19/04/2024 14:13
 
Bên cạnh tiêu chí về giá cả, thời gian giao hàng…, yếu tố trách nhiệm đối với môi trường đang được các nhà mua hàng toàn cầu đề cao khi lựa chọn nhà cung ứng tại Việt Nam.
Cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là điểm cộng cho doanh nghiệp Việt. Trong ảnh: Vùng nguyên liệu trồng chuối xuất khẩu của THACO AGRI (thuộc Tập đoàn THACO)
Cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là điểm cộng cho doanh nghiệp Việt. Trong ảnh: Vùng nguyên liệu trồng chuối xuất khẩu của THACO AGRI (thuộc Tập đoàn THACO)

Xu hướng lựa chọn nhà cung ứng có trách nhiệm

Khoảng 7 tỷ USD hàng hóa, từ quần áo, giày dép, đồ chơi, điện tử, nông sản, đến nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo… đã được các doanh nghiệp Việt cung ứng cho Tập đoàn Walmart, nhà bán lẻ lớn của Mỹ trong năm 2023.

Sản lượng và trị giá hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào hệ thống Walmart sẽ còn lớn hơn nhiều khi năng lực cung ứng của các doanh nghiệp nội địa được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng mới, đề cao yếu tố trách nhiệm, sản xuất hàng hóa bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Đây cũng là lời khẳng định của đại diện Tập đoàn Walmart trước thềm sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2024 sắp diễn ra tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách Phát triển nhà cung ứng mới của Walmart cho biết, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia cung cấp hàng hóa nhiều nhất cho Walmart và đang vươn lên vị trí thứ hai (sau Trung Quốc).

Với hơn 10.500 siêu thị tại 19 nước trên thế giới, Walmart đang tăng cường nhân lực phụ trách nguồn cung ở Việt Nam để gia tăng nhập khẩu từ các nhà cung ứng nội địa. Không riêng Walmart, năm ngoái, loạt tập đoàn lớn trong lĩnh vực nội thất, hàng gia dụng như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển) cũng chủ động đến Việt Nam tìm nhà cung ứng hàng và năm nay, họ tiếp tục quay trở lại.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)… đều có đánh giá tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Nhưng, xu hướng chung của các nhà mua hàng là ngày càng đề cao tính trách nhiệm của các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Ví dụ, nhà bán lẻ hàng nội thất IKEA sẽ lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị và hoài bão nhằm tạo ảnh hưởng tích cực cho nhân loại và hành tinh. IKEA đã xây dựng tiêu chuẩn IWAY - bộ quy tắc thu mua, cung ứng có trách nhiệm, coi đó là tiền đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dành cho các nhà cung cấp của mình. Việc ban hành bộ quy tắc thu mua là cách IKEA cùng các nhà cung cấp đảm bảo hoạt động tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, dịch vụ, vật liệu và linh kiện có trách nhiệm.

Đối với thực phẩm, không những phải đảm bảo các tiêu chí bắt buộc của EU về an toàn sản phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu…, mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu rất khắt khe của người mua, như chứng nhận về môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...

“Xu hướng sản xuất, kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với tất cả nhóm hàng hóa, liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải, giảm phát thải…”, bà Thúy chia sẻ với các nhà cung ứng trong nước.

Tập đoàn Copel (Mexico) cũng đang tìm các nhà sản xuất cung ứng lốp xe ô tô và có nhu cầu mua 500.000 chiếc lốp/năm. Bên cạnh đó, Copel còn tìm kiếm các nhà sản xuất quần áo, giày dép với sản lượng 65 triệu đôi giày, 200 triệu sản phẩm quần áo để cung cấp cho khách hàng có thu nhập thấp. Tất nhiên, hàng dệt may, giày dép phải tuân thủ các cam kết chặt chẽ về môi trường trong sản xuất, sử dụng lao động có trách nhiệm.

Điểm cộng từ “cam kết xanh”

Các tập đoàn đa quốc gia đánh giá, cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, cắt giảm phát thải của Việt Nam đang được thực hiện tại nhiều doanh nghiệp trong nước là điểm cộng trong chiến lược lựa chọn Việt Nam là nhà cung ứng trong dài hạn.

Ngoài ra, xu hướng Trung Quốc + 1 cũng được xác định là một lợi thế, khi các tập đoàn lớn như Samsung, Apple… đều cam kết mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một điểm sản xuất mới tiềm năng.

Ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu (Ấn Độ) cho hay, doanh nghiệp này có những khách hàng lớn ở Trung Đông và đang tìm kiếm nguồn hàng Việt Nam, nhất là những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh để xuất khẩu sang các quốc gia Trung Đông.

Chịu nhiều tác động từ sự suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, nhưng hoạt động xuất khẩu của nước ta đang phục hồi. “Mắt xích” cung ứng Việt Nam đang nhận được sự tín nhiệm của các nhà mua hàng toàn cầu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận, quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023) và gia tăng tại nhiều thị trường quan trọng.

Với khả năng cung ứng trên 400 tỷ USD hàng hóa/năm và có thể đạt cao hơn con số này nhờ dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tìm đến, Việt Nam thực sự đang trở thành công xưởng mới của thế giới, là “mắt xích” quan trọng và là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Long An xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao
Long An phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI hàng năm; duy trì kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư