Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) tiếp nhận nhiều kỷ vật quý về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa
Thu Hồng - 03/07/2016 22:15
 
Chiều ngày 3/7, UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa - Thể Thao, Sở Ngoại Vụ và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức lễ phát động hiến tặng tư liệu hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa. Cuộc vận động diễn ra từ ngày 3/7/2016 đến ngày 19/1/2017.

Đợt phát động nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như tập hợp, quản lý và bổ sung nguồn tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày của Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ngay tại buổi lễ phát động, UBND huyện Hoàng Sa đã nhận được đĩa gốc phim tài liệu "Nhớ đảo" của nhóm tác giả Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP. Đà Nẵng, cùng một số bản đồ, tư liệu và mô hình quý.

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho biết, những năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức người Việt Nam trong và ngoài nước đã tự nguyện hiến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm. Tiêu biểu như anh Trần Thắng đang định cư ở Hoa Kỳ đã gửi tặng cho UBND huyện Hoàng Sa bộ sưu tập gồm 150 bản đồ cổ, trong đó có những bản đồ Hoàng Sa do các nước phương Tây và Việt Nam vẽ từ năm 1618 đến 1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng trao tặng bản đồ xã Hoà Long (quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng) thể hiện Hoàng Sa là của xã Hòa Long
Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng trao tặng bản đồ xã Hoà Long (quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cũ) thể hiện Hoàng Sa là địa bàn thuộc xã Hòa Long, quận Hòa Vang

Có những bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980, cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Ngoài ra, hai sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hành tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam.

Đặc biệt, các nhân chứng từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 cũng đã trao tặng nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý chứng tỏ người Việt Nam đã thật sự thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trước khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Tất cả những tư liệu, hiện vật ấy đều đang được chính quyền TP Đà Nẵng bảo quản vô cùng cẩn mật và sẽ được trưng bày một cách trang trọng tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa trong thời gian tới.  

Đặc biệt, trong buổi lễ, Ban tổ chức tiếp nhận 10 tư liệu, kỷ vật của Trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng - người đã tử trận trên hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 19-1-1974, từ tay vợ và con trai của Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng là bà Nguyễn Thị Lựa và anh Nguyễn Hoàng Sa.

Trong số tư liệu, kỷ vật mà vợ và con trai Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng hiến tặng có giấy báo tử, trích lục khai tử do Bộ tư lệnh Hải quân - Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phát hành ghi rõ: "Địa điểm, ngày tháng năm và duyên cớ sự chết: Hy sinh vì Tổ quốc ngày 19-1-1974 tại quần đảo Hoàng Sa trong trận hải chiến với chiến hạm Trung Cộng để bảo vệ lãnh hải Việt Nam Cộng Hoà".

Đà Nẵng có trường trung học cơ sở mang tên Hoàng Sa
TP Đà Nẵng sẽ lần đầu tiên có một trường trung học cơ sở mang tên Hoàng Sa - quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trường được thành lập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư