Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhận diện 3 lãng phí trong đầu tư công
Hà Nguyễn - 12/06/2017 11:17
 
Báo cáo trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “nhận diện” 3 lãng phí trong đầu tư công, đồng thời “hiến kế” các giải pháp để chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV.

Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm là về tăng cường quản lý, kiểm soát đầu tư công; chống lãng phí trong đầu tư công.

Nhận diện 3 lãng phí lớn

Cụ thể, khi “nhận diện” lãng phí trong đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh 3 lãng phí lớn. Đó là lãng phí từ khâu phê duyệt dự án, lãng phí trong khâu bố trí vốn và thực hiện dự án; và lãng phí ngay từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình.

Trong đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãng phí từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình được xem là “phần lãng phí lớn nhất”, có ảnh hưởng rộng rất.

Các Dự án nhiên liệu sinh học của PVN tại Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước được đầu tư hơn 5.400 tỉ đồng, nhưng đến nay một Dự án dừng thi công, hai Dự án không vận hành thương mại vì thua lỗ.
Các dự án nhiên liệu sinh học của PVN tại Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước được đầu tư hơn 5.400 tỉ đồng, nhưng đến nay một dự án dừng thi công, hai dự án không vận hành thương mại vì thua lỗ.

“Việc tham mưu, ban hành các chính sách không phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh nguồn lực có hạn dẫn tới việc thực hiện không hiệu quả, không đồng bộ, không có tác dụng kiến tạo phát triển, thậm chí còn cản trở sự phát triển. Việc có quá nhiều chính sách mới trong khi nguồn lực hạn chế dễ dẫn tới tình trạng dàn trải ngay từ khi cân đối nguồn vốn. Nếu tiếp tục dàn trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng phí sẽ tăng theo cấp số nhân”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Trong khi đó, lãng phí tại khâu phê duyệt dự án chủ yếu xuất phát từ quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương không chặt chẽ... Điều này dẫn tới dự án không hiệu quả, hoặc “đắp chiếu để đấy”, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được đầu tư...

Một nguyên nhân khác, đó là quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới không khả thi trong quá trình thực hiện, công trình dở dang, không đủ vốn để hoàn thành; hoặc không có vốn để bố trí, lãng phí kinh phí chuẩn bị đầu tư...

Và cũng không loại trừ việc phê duyệt tổng mức đầu tư cao hơn thực tế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hệ thống đơn giá, định mức chưa phù hợp; năng lực của cơ quan kiểm tra, thẩm định dự án còn yếu. Điều này dẫn tới tình trạng chi phí đầu tư dự án cao hơn thực tế, tình trạng đội giá, thực hiện những hạng mục không cần thiết, không có hiệu quả sử dụng...

Còn với lãng phí trong khâu bố trí vốn và thực hiện dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bố trí vốn dài trải là một trong những điều cần quan tâm. Nguyên nhân là do nguồn vốn có thể cân đối được là hạn chế trong khi nhu cầu là rất lớn, kết hợp với sự không kiên quyết của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên dẫn tới tình trạng dàn trải (số lượng dự án có nhiều, tỷ lệ bố trí bình quân trên 1 dự án thấp), kéo dài thời gian thực hiện dự án, hoặc dự án bị bỏ dở, lãng phí cơ hội sớm hoàn thành dự án để phục vụ phát triển, lãng phí thời gian, lãng phí năng lực thi công của các nhà thầu...

Công tác quản lý, giám sát công trình, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chủ quản, kiểm soát khối lượng thực hiện dự án còn lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng, dẫn tới tình trạng vốn giải ngân cao hơn khối lượng thực tế hoàn thành, báo cáo quyết toán giá trị không trung thực..., cũng gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Giải pháp nào để tránh thất thoát, lãng phí?

Báo cáo Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiết kiệm nguồn lực, chống thất thoát, lãng phí, thì giải pháp đầu tiên phải liên quan tới nguồn lực.

Cụ thể, phải đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại đầu tư công theo hướng cơ cấu lại tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước, hàng năm tăng dần tiết kiệm từ ngân sách nhà nước cho đầu tư; tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nưo871c lên khoảng 30% tổng chi ngân sách nhà nước.

“Cần thực hiện cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập, thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công theo đúng lộ trình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhằm thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển các lĩnh vực sự nghiệp công; Mở rộng các hình thức đầu tư để huy động các nguồn vốn từ khu vực tư, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, đẩy mạnh việc triển khai và nâng cao hiệu quả hình thức đầu tư PPP”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Trong khi đó, với giải pháp về kế hoạch đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý trong đầu tư công.

“Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công nhưng đảm bảo tính chặt chẽ, không tạo kẽ hở dễ bị lợi dụng làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch phát triển đô thị là căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Còn với giải pháp về dự án đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong khi chờ hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư công, các bộ, cơ quan, địa phương vẫn cần nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý đầu tư công hiện hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án; làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí.

Việc kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kiện toàn về tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức cho phù hợp với việc phân cấp trong đầu tư, đáp ứng yêu cầu về quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển có hiệu quả cũng đã được nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc Luật Đấu thầu, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định.

Thực hiện tốt Luật Đầu tư công sẽ giảm ngay nợ
Thực hiện tốt Luật Đầu tư công và Luật xây dựng sửa đổi, chắc chắn sẽ kiểm soát được nợ công.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư