Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Phạm Quang Dũng: Tập trung đầu tư công mới có tăng trưởng
Mạnh Bôn - 22/05/2017 08:08
 
Chính phủ sẽ không kiến nghị Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại Kỳ họp thứ 3 khai mạc sáng nay (22/5). Điều này cho thấy, Chính phủ rất quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Ông Phạm Quang Dũng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, muốn đạt được mục tiêu này, cần phải tập trung đầu tư công.

Tăng đầu tư công là vấn đề khá nhạy cảm, vì sao ông lại đề xuất tăng đầu tư công?

Nhìn lại mấy năm vừa qua, sẽ thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư công, năm nào đầu tư công tăng, năm đó tăng trưởng kinh tế cao và ngược lại.

Đơn cử năm 2016, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 2, Chính phủ báo cáo GDP trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 5,93%, nhưng cuối cùng tăng 6,21% - đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 đến năm 2014 nhờ quý IV tăng 6,68%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV/2016 cao tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, quan trọng nhất là tăng được tổng đầu tư toàn xã hội, đưa mức đầu tư toàn xã hội năm 2016 tương đương 33% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 31% GDP và cao hơn mức dự báo là 32,5% GDP.

.
Ông Phạm Quang Dũng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Nhưng đó là tổng mức toàn xã hội, không phải chỉ có đầu tư công, thưa ông?

Khi Nhà nước tăng đầu tư công, thì đây sẽ là đòn bẩy, là đầu tàu kéo khu vực kinh tế khác đầu tư làm tăng tổng đầu tư toàn xã hội và tốc độ tăng trưởng cũng tăng theo.

Năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tính đạt 1.485.100 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015, trong đó, vốn của khu vực nhà nước chiếm 37,6%. Nguồn vốn này tăng, kéo theo vốn khu vực ngoài nhà nước (chiếm 39%) tăng 9,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 23,4%) tăng 9,4%. Đây là đòn bẩy giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,21%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay thấp, theo ông chắc cũng có nguyên nhân là vốn đầu tư công giải ngân chậm?

Đúng thế. Tính đến ngày 30/4/2017, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giải ngân mới đạt 19,2% kế hoạch. Hiện mới chỉ giải ngân được khoảng 5.000/12.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ năm 2016 chuyển sang; chưa giải ngân được đồng vốn trái phiếu chính phủ nào của kế hoạch năm 2017 (50.000 tỷ đồng), do chưa thông qua được danh mục và mức vốn cho từng dự án.

Câu hỏi đặt ra là lấy nguồn đâu để đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ, vốn vay ưu đãi nước ngoài giảm mạnh và chuẩn bị chấm dứt?

Nguồn vốn nhà nước trong nội bộ nền kinh tế còn rất lớn. Đó là vốn nhà nước đang nằm trong doanh nghiệp. Hiện tại, 98% số doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, nhưng vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm 92%. Vấn đề là phải mạnh dạn thoái vốn, mạnh dạn tái cơ cấu, thu hồi vốn đang đầu tư vào khu vực sản xuất, kinh doanh để tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Một nguồn vốn nữa cũng vô cùng lớn, đó là vốn, tài sản nhà nước đang giao cho đơn vị sự nghiệp công quản lý, sử dụng. Phải mạnh dạn, quyết liệt giao tự chủ, tự chịu đối với đơn vị sự nghiệp công và đẩy mạnh cổ phần hóa đối với những dịch vụ có thể xã hội hóa được. Cùng với cổ phần hóa, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa đối với những dịch vụ mà xã hội có thể đảm đương được, có thể làm tốt hơn đơn vị sự nghiệp công. Lấy tiền nguồn này và nguồn bán vốn nhà nước để tập trung đầu tư cho hạ tầng. Thực tế đã cho thấy, “hạ tầng đến đâu giàu đến đấy”, Nhà nước không đầu tư thì tư nhân cũng chẳng mặn mà.

Hai nguồn vốn như ông nói, dù có lớn, nhưng không thấm vào đâu so với mức vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông. Vấn đề là hết nguồn vốn này thì trông chờ vào đâu?

Đầu tư vào hạ tầng phải theo nguyên tắc “mỡ nó rán nó”. Nhà nước đầu tư hoặc cùng với doanh nghiệp đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư vào hạ tầng giao thông, sau đó thu phí hoặc tổ chức đấu giá có thời hạn để doanh nghiệp tiến hành thu phí hạ tầng giao thông, lấy tiền đầu tư vào dự án khác.

Hiện nay, chúng ta vay vốn ODA, vay trong nước (phát hành trái phiếu chính phủ) đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhưng không thu phí vì không muốn người dân phải trả tiền, thực ra cuối cùng thì người dân vẫn phải trả, vì nợ vay ODA, vay trái phiếu chính phủ cuối cùng người dân vẫn phải trả.

Tôi cho rằng, không thu phí cầu, đường sử dụng từ nguồn vốn nhà nước là thiếu công bằng, vì người không sử dụng, cũng phải gián tiếp nộp phí thông qua tiền thuế của họ, còn Nhà nước thì không có tiền để đầu tư vào công trình, dự án khác.

Nhưng nếu thu phí tất cả cầu, đường sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, thưa ông?

Khi chưa có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đi từ Hà Nội lên Lào Cai và ngược lại mất từ 8 đến 10 tiếng, doanh nghiệp mất thời gian vận chuyển hàng hóa, khấu hao xe lớn, mất chi phí ăn uống, lưu trú cho người vận chuyển… Còn bây giờ, cũng đoạn đường Hà Nội - Lào Cai chỉ mất 3,5 tiếng, sáng đi, tối về giảm được rất nhiều chi phí, mặc dù phải trả phí đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhưng chi phí thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Như vậy, việc trả phí cầu đường còn giúp giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Tất nhiên, mức phí đưa ra phải hợp lý, doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng có lợi, người sử dụng hạ tầng giao thông cũng có lợi và cả nền kinh tế được lợi.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Kịch bản tăng trưởng bình quân 3 quý còn lại là 7,1%
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết điều này tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/5 và nêu một số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư