Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nhận diện 7 xu hướng đẩy thế giới tới bờ vực cuộc đại suy thoái
T.T - 28/05/2020 12:26
 
Một cuộc đại suy thoái lớn được dự báo sẽ xảy ra sau thập kỷ này, do bảy xu hướng đáng lo ngại.
Một cuộc đại suy thoái kinh tế lớn được dự báo sẽ xảy ra sau thập kỷ này. Ảnh minh hoạ
Một cuộc đại suy thoái kinh tế lớn được dự báo sẽ xảy ra sau thập kỷ này. Ảnh minh hoạ

Nợ quá lớn của chính phủ và khu vực tư nhân, hạn chế thương mại và tự động hóa với tốc độ phi mã là 3 trong số những yếu tố chính gây bất ổn vĩnh viễn cho kinh tế thế giới.

Thêm vào đó là sự bùng nổ trong chi tiêu y tế, dưới sức ép của dịch COVID-19 đã tấn công các nước giàu có dân số già. Đó là những nhận định của ông Nouriel Roubini, Chủ tịch công ty phân tích tài chính Roubini Global Economics, Giáo sư kinh tế tại trường Stern School of Business thuộc trường Đại học New York.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, sự mất cân đối và rủi ro gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn bởi những sai lầm chính trị. Các chính phủ đã không giải quyết triệt để các vấn đề cơ cấu mà sự sụp đổ tài chính và suy thoái kinh tế đã làm lộ ra, từ đó tạo ra những rủi ro có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới không thể tránh khỏi.

Những nguy cơ này đang trở nên nghiêm trọng hơn trong tình hình hiện nay. Một cuộc đại suy thoái lớn được dự báo sẽ xảy ra sau thập kỷ này, do 7 xu hướng đáng lo ngại dưới đây theo ông Nouriel Roubini.

Xu hướng đầu tiên liên quan đến thâm hụt ngân sách. Phản ứng chính trị đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 dẫn đến việc tăng mạnh thâm hụt ngân sách, tại thời điểm mức nợ công ở nhiều quốc gia đã rất cao, thậm chí không bền vững. Nhiều gia đình và doanh nghiệp mất thu nhập đồng nghĩa với việc nợ của khu vực tư nhân cũng sẽ trở nên không bền vững. Điều đó có thể dẫn đến vỡ nợ và phá sản hàng loạt.

Yếu tố thứ hai là "quả bom hẹn giờ" trong nhân khẩu học ở các nền kinh tế tiên tiến. Cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy cần phải chi nhiều ngân sách hơn cho hệ thống y tế và việc chăm sóc sức khỏe toàn cầu cùng tài sản công liên quan là cần thiết chứ không phải xa xỉ. Tuy nhiên, bởi hầu hết các nước phát triển đều có dân số già, việc tài trợ cho các chi phí này trong tương lai sẽ làm tăng thêm các khoản nợ ngầm của hệ thống y tế và an sinh xã hội không có ngân sách.

Vấn đề thứ ba là nguy cơ giảm phát ngày càng tăng. Ngoài việc gây ra suy thoái sâu sắc, cuộc khủng hoảng còn tạo ra thặng dư lớn hàng hóa (máy móc và công suất không sử dụng) và lao động (thất nghiệp hàng loạt), cũng như sự sụt giảm giá nguyên liệu thô như dầu và kim loại công nghiệp. Điều này làm tăng khả năng giảm phát do nợ và rủi ro mất khả năng thanh toán.

Yếu tố thứ tư liên quan đến giảm phát. Khi các ngân hàng trung ương cố gắng chống lại giảm phát và rủi ro lãi suất tăng vọt (do tích lũy nợ lớn), các chính sách tiền tệ sẽ càng trở nên đặc biệt và sâu rộng hơn. Trong ngắn hạn, các chính phủ sẽ phải sử dụng các khoản thâm hụt tài chính để tránh suy thoái và giảm phát.

Vấn đề thứ năm là sự gián đoạn kỹ thuật số rộng hơn của nền kinh tế. Để chống lại cú sốc chuỗi cung ứng trong tương lai, các doanh nghiệp ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ chuyển sản xuất từ các khu vực chi phí thấp sang thị trường nội địa có chi phí cao hơn. Xu hướng này sẽ đẩy nhanh tốc độ tự động hóa, gây áp lực giảm lương và tiếp tục thúc đẩy sự bùng phát của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại.

Xu hướng thứ sáu, thế giới hậu đại dịch sẽ được đánh dấu bằng những hạn chế chặt chẽ hơn đối với sự di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, công nghệ, dữ liệu và thông tin. Điều này đang diễn ra trong ngành công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế và thực phẩm, nơi chính phủ các nước đang áp đặt hạn chế xuất khẩu và các biện pháp bảo hộ khác để đối phó với cuộc khủng hoảng. Bế tắc địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ góp phần củng cố xu hướng này.

Rủi ro thứ bảy không thể bỏ qua là một biến động môi trường, như cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chỉ ra, có thể tàn phá kinh tế lớn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính. Dịch bệnh tái phát (HIV từ những năm 1980, SARS năm 2003, H1N1 năm 2009, MERS năm 2011, Ebola năm 2014-2016), giống như biến đổi khí hậu, về cơ bản là thảm họa do con người tạo ra, do tiêu chuẩn y tế và vệ sinh kém, khai thác thiên nhiên quá mức và kết nối ngày càng tăng của một thế giới toàn cầu hóa. Đại dịch và nhiều triệu chứng bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và tốn kém hơn trong những năm tới.

Ông Nouriel Roubini nhấn mạnh, những rủi ro này - phần lớn đã manh nha từ trước đại dịch - hiện đang đe dọa sẽ gây ra một cơn bão đẩy toàn bộ nền kinh tế thế giới vào một thập kỷ tuyệt vọng. Trong những năm 2030, công nghệ và khả năng lãnh đạo chính trị hiệu quả hơn có thể giải quyết hoặc giảm thiểu những nguy cơ nói trên, tạo ra một trật tự quốc tế ổn định hơn. Tuy nhiên, trước khi đi đến một kết thúc có hậu như vậy, các quốc gia phải tìm cách để vượt qua cuộc đại khủng hoảng sắp tới.

Nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục theo mô hình nào hậu COVID-19?
Nền kinh tế thế giới sẽ mất nhiều thời gian để chạm đáy, sau đó hồi phục với tốc độ chậm nhưng chắc chắn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư