Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nhận diện lực cản tiến trình cổ phần hóa
Mạnh Bôn - 15/10/2015 08:57
 
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), khối lượng hàng hóa lớn và lãnh đạo doanh nghiệp vẫn sợ cổ phần hóa là trở lực đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong 3 tháng cuối năm nay phải cổ phần hóa khoảng 290 doanh nghiệp nhà nước thì mới hoàn thành kế hoạch. Điều này có thể nói là không thể, tức là tiến trình cổ phần hóa không đạt mục tiêu đặt ra. Ông có nghĩ như vậy?

Vào thời điểm 1/1/2011, theo thống kê, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tại một hội nghị với các nhà tài trợ thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết sẽ giảm 50% số doanh nghiệp nhà nước vào cuối năm 2015. Cam kết này được Thủ tướng Chính phủ đặt ra và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện.

Đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, có thể nói, tiến trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015, đã hoàn thành vượt mục tiêu đặt ra, khi số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã giảm khoảng 60%.

.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Nhưng so với mục tiêu đặt ra trong năm 2014 - 2015 là phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp thì không đạt được?

Trên đà sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đang tiến triển theo đúng dự kiến, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi sở hữu và đặt ra mục tiêu trong năm 2014 - 2015 phải cổ phần hóa 432 và tới năm 2020, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn tại 200 - 300 doanh nghiệp.

Thực hiện quyết tâm này, năm 2014, cả nước đã cổ phần hóa được 143 đơn vị, gấp gần 2 lần so với năm 2013 và trong 9 tháng đầu năm đã xử lý thêm được 94 đơn vị. Như vậy, kể từ năm 2014 đến nay đã cổ phần hóa được 237 đơn vị (đạt 55%). Nếu không xử lý nốt 195 đơn vị còn lại thì về mặt số học có thể nói là không hoàn thành mục tiêu phấn đấu.

Tuy nhiên, đó là mục tiêu cố gắng phấn đấu để đạt được. Còn nếu so với kế hoạch sắp xếp, đổi mới, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước đã được Quốc hội phê chuẩn và cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước nhà đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ là vào cuối năm 2015, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm 50% so với năm 2011, thì chúng ta đã hoàn thành vượt mức.

Thưa ông, vấn đề là làm sao để xử lý được 195 doanh nghiệp còn lại?

Trước hết, phải chỉ ra được nguyên nhân vì sao khó có thể hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014 và 2015. Trở lực lớn đối với quá trình cổ phần hóa hiện nay là khối lượng hàng hóa lớn, trong khi thiếu nhà đầu tư, tức là cung đang lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán chưa thực sự ấm lên, chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược.

Nguyên nhân quan trọng nữa là, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn sợ cổ phần hóa. Khi sắp xếp, cổ phần hóa thì phải đánh giá lại toàn bộ tình hình tài chính, công nợ, hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, tình hình tài chính không minh bạch thì lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, nên họ tìm cách trì hoãn cổ phần hóa.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ kiên quyết chỉ đạo các bộ, ngành phải xử lý rốt ráo. Thực tế cho thấy, bộ, ngành nào kiên quyết xử lý vấn đề con người, thì tốc độ cổ phần hóa được đẩy mạnh, như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông có nghĩ rằng, trong mấy tháng gần đây, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tổ chức đại hội Đảng các cấp và sắp tới là tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nên vấn đề cổ phần hóa bị lơ là do còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm?

Đây không phải là lý do khiến tốc độ cổ phần hóa chậm, thậm chí ngược lại, vì lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều hiểu rằng, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong cả nhiệm kỳ vừa qua và sắp tới, nên vấn đề này được quan tâm hơn.

Thế còn vấn đề cách thức tiến hành để đẩy nhanh cổ phần hóa thì sao, thưa ông?

Rất mừng là gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, doanh nghiệp nằm trong diện thoái vốn. Tuy nhiên, họ vẫn rất dè dặt trong việc tham gia thị trường, vì còn e ngại về tính công khai, minh bạch thông tin của khu vực doanh nghiệp này.

Liên quan vấn đề trên, gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải công bố thông tin công khai, minh bạch, như công ty đại chúng, công ty niêm yết, thậm chí có nhiều tiêu chí còn công khai hơn, minh bạch hơn. Và toàn bộ thông tin này đều được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra, đánh giá lại xem có minh bạch không.

Vấn đề là cách thức đẩy mạnh cổ phần hóa, đặc biệt đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, để nhà đầu tư nước ngoài biết đến. Hiện tại, doanh nghiệp chỉ công khai, minh bạch thông tin ở trong nước, chứ chưa thực hiện các cuộc roadshow, chào hàng với nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường nước ngoài, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài chưa biết nhiều thông tin về doanh nghiệp.

Cổ phần hóa nông - lâm trường quốc doanh: Lo thất thoát “khủng”
Lợi ích việc chuyển đổi nông - lâm trường quốc doanh thành công ty cổ phần không rõ ràng, quyền lợi của người lao động không được đảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư