Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhận diện rủi ro cho vay ngang hàng (P2P)
 
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 bùng nổ, cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer lending, P2P) được đánh giá là mảng hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, nhưng vì là lĩnh vực mới, lại thiếu chế tài quản lý, nên rủi ro đối với hoạt động cho vay này là không ít.
Rủi ro trong cho vay ngang hàng nghiêng về phía nhà đầu tư
Rủi ro trong cho vay ngang hàng nghiêng về phía nhà đầu tư

Chia sẻ về lợi ích của P2P, ông Trần Hữu Đức, Phó chủ tịch Câu lạc bộ FinTech Việt Nam cho biết, đối với bên đi vay, lợi ích đến từ việc nhu cầu vay được tiến hành dễ dàng, tốc độ cấp vốn nhanh và được tài trợ vốn cho tất cả các khoản vay...

Đối với bên cho vay, lợi ích là lợi nhuận thu về cao hơn, dễ phân tán rủi ro, có thể giảm được lãi suất... Đối với thị trường vốn, P2P mang lại một kênh cấp vốn mới, có nhiều dữ liệu được thu thập để đáp ứng các nhu cầu khác...

Cùng chung quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu BIDV chia sẻ thêm, đối với công ty P2P, đây là một lĩnh vực hoạt động mới, khai thác nền tảng công nghệ đã có, đem lại nguồn thu, đa dạng hóa hoạt động và tăng việc làm cho nhân viên.

Bù lại, công ty P2P phải đầu tư công nghệ, xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính và công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, duy trì và phát triển chuyên môn, uy tín mới có thể thu hút nhà đầu tư tham gia.

Về những rủi ro trong lĩnh vực cho vay mới này, ông Lực cho biết, P2P ẩn chứa 5 rủi ro chính, tập trung về phía nhà đầu tư.

Thứ nhất, P2P là hoạt động nhận tiền đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính, không được coi là hoạt động tín dụng thông thường, nên hiện nay chưa phải tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động cũng như các quy định về giám sát, kiểm soát chặt chẽ như với các tổ chức tín dụng hay công ty quản lý đầu tư.

Theo đó, hành lang pháp lý chưa có hoặc chưa đầy đủ, nên khi xảy ra rủi ro, các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ.

Thứ hai, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro hơn so với bên vay, vì tại nhiều quốc gia, bên vay vẫn được hưởng các quyền lợi theo quy định về bảo vệ người đi vay như các quy định về lãi suất, quyền được cung cấp thông tin…, trong khi nhà đầu tư lại không được hưởng các quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ người gửi tiền như trong hệ thống ngân hàng, mà vẫn phải chịu các rủi ro về tín dụng, thanh khoản, pháp lý…

Thứ ba, rủi ro đạo đức xảy ra khi bên vay không được trả nợ (do khách quan hay cố ý, dù có thể được bù đắp một phần từ công ty P2P) và/hoặc công ty P2P dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản (do khách quan hay cố ý), dẫn đến khả năng mất một phần vốn của nhà đầu tư.

Thứ tư, khi khoản vay được thực hiện, công ty P2P sẽ thu phí dịch vụ, trong khi nhà đầu tư chỉ nhận được tiền thanh toán từ công ty P2P khi bên vay trả nợ. Theo đó, trách nhiệm ràng buộc giữa công ty P2P và nhà đầu tư khá hạn chế, dẫn đến tranh chấp có thể xảy ra.
Thứ năm, đó là những biến tướng của hình thức cho vay này (như công ty P2P lừa đảo, áp dụng lãi suất và phí cao, bất chấp khả năng trả nợ của bên vay; hoặc bên vay trốn tránh trả nợ dẫn đến bên cho vay hoặc công ty P2P dùng mọi biện pháp, kể cả thuê xã hội đen đòi nợ; nhà đầu tư không hiểu rõ mô hình hoạt động và khi mất vốn kéo đến cơ quan quản lý để đòi tiền như đã xảy ra tại Trung Quốc…) dẫn đến diễn biến rất phức tạp, hệ lụy kinh tế và xã hội khó lường.

Hiện chưa có một chuẩn mực quản lý thống nhất nào trên toàn cầu đối với hoạt động P2P. Xu hướng chung là khi loại hình cho vay này phát triển, các nhà quản lý ở các nước thường cố gắng cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, giữa tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo và sự lành mạnh của thị trường tài chính.

Bà Dương Nguyễn, chuyên gia kinh tế khu vực tài chính, Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Liên quan đến rủi ro, ông Trần Hữu Đức cho rằng, thách thức đối với các công ty P2P là làm thế nào để thu hút những người đi vay và nhà đầu tư, khi cân bằng các rủi ro và lợi nhuận cho khách hàng.

Câu chuyện quản lý sau cho vay sẽ như thế nào khi phát sinh nợ quá hạn và đảm bảo thu hồi tổn thất khoản vay ở mức cao nhất có thể. Hay như việc giải quyết các thất bại có thể xảy ra với công ty mà không gây tổn thất cho người cho vay. Đặc biệt là câu chuyện xử lý gian lận, bảo mật dựa trên công nghệ mã hóa và các rủi ro hoạt động.

Còn bà Dương Nguyễn, chuyên gia kinh tế khu vực tài chính, Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu quan điểm, rủi ro trong cho vay P2P rất lớn, chẳng hạn khách hàng vay có thể không trả nợ, rủi ro khi xuất hiện sàn hay công ty cho vay P2P được dựng lên để lừa đảo, huy động tiền rồi “mất tích” khiến các nhà đầu tư mất tiền... và thực tế đã có những vụ đổ vỡ xảy ra.

"Trước những rủi ro, thách thức, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và đưa ra các khuôn khổ chính sách để giám sát và quản lý đối với hoạt động P2P.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một chuẩn mực quản lý thống nhất nào trên toàn cầu đối với hoạt động P2P. Xu hướng chung là khi loại hình cho vay này phát triển, các nhà quản lý ở các nước thường cố gắng cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, giữa tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo và sự lành mạnh của thị trường tài chính”, bà Dương Nguyễn cho hay.

Cho vay kiểu Uber: Không cấm, song tránh biến tướng
Giống như Uber, Grab, mô hình kinh tế chia sẻ trong cho vay - Peer to Peer (P2P) - đã du nhập vào nước ta và có xu hướng nở rộ thời gian gần đây. Đây là một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư