Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 25 tháng 01 năm 2025,
Nhận định về địa bàn xuất khẩu 7 tháng đầu năm
Minh Nhung - 22/08/2021 14:32
 
Quy mô và tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu theo địa bàn cần được quan tâm đặc biệt, bởi xuất khẩu không chỉ thể hiện cơ cấu kinh tế, mà còn là lối ra của các địa phương.
Ảnh minh họa.
Xuất khẩu không chỉ thể hiện cơ cấu kinh tế, mà còn là lối ra của các địa phương.

Trong kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm (tổng kim ngạch lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, với trên 186,35 tỷ USD; tốc độ tăng so với cùng kỳ cao nhất với 26,2%), đã có sự đóng góp của hầu hết các địa bàn có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 3 địa bàn bị giảm.

Trong 60 địa bàn có kim ngạch xuất khẩu tăng, có những địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Điều đó đã thể hiện cố gắng lớn trong việc thực hiện mục tiêu kép của các địa bàn này, không chỉ trước mà còn ngay cả trong khi đại dịch bùng phát trở lại.

Qua 7 tháng, cả nước đã có 24 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 địa bàn đạt trên 7,3 tỷ USD, đặc biệt có 6 địa bàn đạt trên 10 tỷ USD (cao nhất là TP.HCM 26,6 tỷ USD, tiếp đến là Bắc Ninh gần 22,4 tỷ USD, Bình Dương gần 20,4 tỷ USD, Thái Nguyên gần 15,7 tỷ USD, Đồng Nai gần 13,7 tỷ USD, Hải Phòng trên 12,5 tỷ USD). Chỉ riêng 6 địa bàn này đã đạt 111,3 tỷ USD, chiếm 59,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong các địa bàn tăng, một số địa bàn có mức tăng khá cao như TP.HCM (tăng 2,03 tỷ USD), Bình Dương (tăng 6,2 tỷ USD), Bắc Ninh (tăng 4,8 tỷ USD), Hải Phòng (tăng 3,1 tỷ USD), Đồng Nai (tăng 2,1 tỷ USD), Bắc Giang (tăng 1,9 tỷ USD), Phú Thọ (tăng 1,8 tỷ USD), Yên Bái (tăng 1,2 tỷ USD), Thái Nguyên (tăng 1,1 tỷ USD). Các địa bàn trên đã tăng 24,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 62,5% tổng mức tăng của cả nước.

Các địa bàn đạt được kết quả trên do nhiều yếu tố. Một yếu tố dễ nhìn thấy nhất là điều kiện kinh tế - xã hội, lợi thế địa kinh tế, tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên. Song quan trọng nhất là việc làm tốt công cuộc khởi nghiệp, hình thành các cơ sở kinh tế, dịch vụ để thu hút các nguồn lực tại địa phương và thu hút lao động các địa phương khác. Một yếu tố quan trọng là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trong đó có thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả tích cực, về địa bàn xuất khẩu, cũng gợi lên một số vấn đề đáng lưu ý. Trước hết, bên cạnh các địa bàn hầu hết tăng so với cùng kỳ năm trước, cũng còn 3 địa bàn giảm (Đắk Lắk, Ninh Thuận, Điện Biên). Mức giảm không lớn, nhưng các địa bàn này không có sự bùng phát dịch.

Một số địa bàn khác có tăng, tốc độ tăng cao, nhưng do quy mô xuất khẩu nhỏ, nên mức tăng nhỏ (dưới 50 triệu USD), như Bạc Liêu, Bắc Kạn, Đắc Nông, Hà Nội, Hậu Giang, Hoà Bình, Kiên Giang...

Bên cạnh những địa bàn có quy mô lớn, nhiều địa bàn có quy mô xuất khẩu còn rất nhỏ. Sau 7 tháng, một số địa bàn chỉ đạt dưới 20 triệu USD. Nếu so sánh giữa các địa bàn không có sự khác biệt lớn về điều kiện tự nhiên, lợi thế giao thôn…, thì kim ngạch xuất khẩu có chênh lệch lớn. Các địa bàn cần có sự so sánh cụ thể, tính kim ngạch bình quân đầu người…, để đánh giá cao/thấp và có chính sách thích hợp.

Bắt tay “ông lớn” Amazon để xuất khẩu xuyên biên giới
Một chương trình hợp tác đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp Việt bắt tay với ông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư