Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sớm giải quyết tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo
Thế Hoàng - 17/08/2021 12:28
 
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT làm việc với TCT Tân Cảng Sài Gòn sớm mở lại các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm ùn tắc container xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để sớm mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sớm mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo.

Trong rất nhiều đề xuất nhằm gỡ khó về vận chuyển, lưu thông thóc gạo cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để sớm mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo.

Đồng thời, cân nhắc về phí phụ thu để tạo thuận lợi cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 do bến này là một trong những bến chính chuyên đóng hàng gạo bằng container; tiếp tục theo dõi, làm việc và yêu cầu các hãng tàu, các doanh nghiệp kinh doanh ngành logistic phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container.

Việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu của ngành nông nghiệp gạo Việt Nam, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 3,492 triệu tấn, trị giá 1,888 tỷ USD, giá bình quân 540,68 USD/tấn, giảm 12,69% về lượng và giảm 3.1% về trị giá.

Khó khăn về thu hoạch, vận chuyển thóc, gạo là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo sụt giảm, đồng thời  đang khiến khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm 2021 khó khăn hơn.

"Các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Ngoài ra, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn", ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết.

Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.

Trong khi đó, theo VFA, tồn kho thóc gạo tại các doanh nghiệp thuộc VFA còn nhiều dù đã đến thời điểm bổ sung tồn kho thường kỳ. Tuy nhiên, do quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa bị gián đoạn nên tồn kho chưa được giải phóng, dòng vốn cũng bị ách tắc theo và doanh nghiệp không thể tiếp tục thu mua thóc gạo. 

Những trở ngại này đã làm cho tình hình tiêu thụ lúa Hè Thu 2021 ở các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL bị đình trệ trong việc thu hoạch, xử lý sau thu hoạch. Giá bình quân lúa tươi loại thường tại ruộng từ ngày 01/5 là 6.200 đồng/kg, ngày 01/6 là 5.800 đồng/kg, ngày 01/7 là 5.200 đồng/kg và đến ngày 5/8 giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg.

Điêu lo ngại là không bán được lúa tươi lại không thể trữ trong dân do điều kiện thời tiết đang mưa nhiều cùng với giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh sẽ gây tâm lý không thuận trong nông dân và làm dấy lên lo ngại về khả năng người trồng lúa sẽ bỏ ruộng hoặc chậm xuống giống lúa vụ 3, tác động xấu đến các vụ mùa sau và trên hết là đưa đến nguy cơ thiếu hụt lương thực lúc giáp hạt vụ Đông Xuân 2021/2022, thời điểm cận Tết.

Trước những khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ thóc, gạo, Bộ Công Thương cấp thiết đề xuất Chính phủ là khẩn trương nghiên cứu, mở "luồng xanh" cho vận tải đường thủy do 95% thóc gạo tại ĐBSCL được vận chuyển qua đây. 

Việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu, giải tỏa được ách tắc.

Để các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng ruộng, Bộ đề xuất các địa phương chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp/xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp/xã, … và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống/lên ghe.

Đặc biệt xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu.

Trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, khi ghe/sà lan của các thương nhân di chuyển qua, đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp.

"Đối với phương án này, các cấp lãnh đạo địa phương chỉ đạo linh hoạt, chỉ yêu cầu giấy xác nhận âm tính với Covid-19 (PCR) khi phương tiện rời bến/bờ (điểm đầu) và suốt qua trình di chuyển trên sông được phép sử dụng giấy xác nhận xét nghiệm nhanh tại các chốt để qua chốt kế tiếp cũng như cập bến/bờ (điểm cuối) của lộ trình", Bộ Công Thương đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư