Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Nhan nhản sai phạm tại VEAM được phát hiện, xử lý
Huệ Nguyễn - 10/04/2025 08:44
 
Liên tục các sai phạm nghiêm trọng tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.

Tài sản của VEAM bị “rút ruột”

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành cáo trạng, truy tố ra trước Tòa án Nhân dân cùng cấp để xét xử đối với 7 bị cáo trong vụ án liên quan tới các sai phạm xảy ra tại VEAM.

Trong số này, có 5 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Phan Phạm Hà (sinh năm 1975), cựu Tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 1979), cựu Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán; Thái Đức Minh (sinh năm 1983), cựu Trưởng ban Kinh doanh và Phát triển thị trường; Nghiêm Trọng Thăng (sinh năm 1976), cựu Phó chánh Văn phòng; Trần Tuấn Kiệt (sinh năm 1982), Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dịch vụ và du lịch Mặt Trời Việt.

Các bị cáo Lê Thị Hiền (sinh năm 1988), Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Song Linh và Bùi Thanh Dũng (sinh năm 1978), quản lý Nhà hàng San hô, bị truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Theo hồ sơ vụ án, VEAM được thành lập năm 1995, trực thuộc Bộ Công thương. Sau nhiều lần thay đổi mô hình hoạt động, cuối năm 2017, doanh nghiệp này chuyển sang mô hình công ty cổ phần, trong đó Bộ Công thương làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, với hơn 88% vốn.

Quá trình khám xét khẩn cấp nơi làm việc tại trụ sở của VEAM, cơ quan điều tra còn phát hiện, thu giữ một số tài liệu có đóng dấu mật (bản photo). Theo lời khai của cựu Tổng giám đốc Phan Phạm Hà, đây là tài liệu mà Phan Phạm Hà và ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM xin được, nhằm nắm bắt thông tin về tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương. Cơ quan điều tra quyết định tách hồ sơ, tài liệu liên quan để xác minh, làm rõ trong vụ án sau.

Tháng 6/2020, Hội đồng Quản trị VEAM ra quyết định bổ nhiệm ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Bộ Công thương sau đó cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 38%, do ông Hà làm đại diện vốn.

Từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2024, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Phan Phạm Hà đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện thanh toán chi phí, kê tăng khống giá trị nhiều hợp đồng.

Cùng với đó, các bị cáo cũng sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống để đề nghị thanh toán lấy tiền hoàn ứng cho nhiều khoản chi không được thanh toán theo quy định, gây thiệt hại tổng cộng hơn 3 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2023, VEAM tham dự một số buổi làm việc, hội nghị do Bộ Công thương chủ trì. Tuy không có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến thanh toán các chi phí, song Phan Phạm Hà đã chỉ đạo lập “hồ sơ tiếp khách” để rút tiền thanh toán của Công ty.

Cấp dưới của Hà đã hợp thức, tập hợp hồ sơ, chứng từ liên quan đến chi phí để chuyển tới Ban Tài chính - Kế toán xét duyệt. Trong số này, có các hợp đồng với Công ty Onplaza Việt Pháp, Công ty Onplaza Quang Minh, Công ty TNHH Liên doanh khách sạn thống nhất Metropol...

Phan Phạm Hà cũng đại diện VEAM trực tiếp ký 1 hợp đồng với Nhà khách Quốc hội về việc cung cấp dịch vụ tại đây, với số tiền hơn 400 triệu đồng. Biết việc này là trái quy định, song cấp dưới vẫn xét duyệt đề nghị thanh toán để lấy tiền của VEAM thanh toán hóa đơn với các khoản tiếp khách không đúng quy định.

Ngoài ra, quá trình điều tra cũng xác định, Phan Phạm Hà đã đại diện VEAM để hỗ trợ chi trả tiền trái quy định, với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Mua bán hóa đơn khống để hợp thức hóa

Để thanh toán các khoản chi không đúng quy định, Phan Phạm Hà đã chỉ đạo Thái Đức Minh mua 67 tờ hóa đơn giá trị gia tăng khống đối với các dịch vụ ăn uống.

Minh đã liên hệ với Bùi Thanh Dũng, quản lý Nhà hàng San hô, đề nghị tìm giúp đơn vị xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, thỏa thuận chi phí 10% giá trị hóa đơn. Các bị cáo này cũng thống nhất “dìm” giá hóa đơn khống dưới 20 triệu đồng, để không phải chuyển tiền qua tài khoản, tránh bị phát hiện.

Sau đó, Dũng đã liên hệ với Lê Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Song Linh (là chủ của chuỗi nhà hàng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Hà Nội) để nhờ xuất hóa đơn khống cho VEAM.

Hiền đã xuất tổng cộng 67 hóa đơn, trong đó có 64 hóa đơn được lập hồ sơ thanh toán, gây thiệt hại cho VEAM khoảng 1 tỷ đồng. Còn lại 3 hóa đơn không xác định được người nhận, nên không chứng minh được có việc xuất hóa đơn sử dụng dịch vụ thật hay hóa đơn khống, do đó cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ kết luận.

Thông đồng, kê khai khống giá trị để “gửi giá”

Cũng liên quan tới vụ án này, quá trình điều tra còn làm rõ hành vi kê khai khống hàng loạt hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện các gói thầu tổ chức hội nghị, sự kiện tại VEAM.

Theo đó, do quen biết với Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dịch vụ và du lịch Mặt Trời Việt, nên Phan Phạm Hà chỉ đạo cấp dưới phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp này trúng thầu khi VEAM tổ chức các hội nghị, sự kiện.

Quá trình thực hiện, Kiệt đã thông đồng với một số bị cáo tại VEAM để hợp thức hồ sơ, đưa “quân xanh” tham dự các gói thầu, trong đó doanh nghiệp của Việt luôn có báo giá thấp nhất, nhằm đảm bảo trúng thầu.

Ngoài ra, Kiệt còn thỏa thuận với Hoàng Thị Thanh Tâm và Nghiêm Trọng Thăng về khoản tiền chênh lệch giữa chi phí thực tế và chi phí theo hợp đồng. Kết quả là công ty của Kiệt đã ký 15 hợp đồng với VEAM, với tổng giá trị hơn 9 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, chỉ tính riêng 7 hợp đồng được các đối tượng thông đồng, kê tăng khống giá trị hàng hóa và đã được thanh toán, số tiền chênh lệch “gửi giá” đã gây thiệt hại cho VEAM lên tới gần 1,2 tỷ đồng.

Nhiều vụ án nghiêm trọng tại VEAM đã bị xử lý

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều vụ án, hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng của một số cựu lãnh đạo, cán bộ tại VEAM trong những năm qua.

Điển hình là vụ án xảy ra trong quá trình di dời nhà máy của Công ty Đúc số 1 (đơn vị hạch toán phụ thuộc VEAM). Nguyễn Thanh Giang (thời điểm này là Tổng giám đốc) đã đại diện VEAM ký hợp đồng hợp tác với Công ty Phương Nam (do Trần Quốc Dân làm Tổng giám đốc), góp vốn thành lập Công ty liên doanh Đúc Phương Nam.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với khu đất 10.942 m2 để thực hiện Dự án Xây dựng khu nhà ở và trung tâm thương mại, dịch vụ tại số 220 - Bình Thới (TP.HCM), Nguyễn Thanh Giang và Lâm Chí Quang (cựu Chủ tịch HĐQT VEAM) và một số thành viên khác đã thực hiện “thủ thuật” góp vốn và thoái toàn bộ vốn khỏi dự án.

Hành vi vi phạm của các bị cáo khi ký nghị quyết và thực hiện chuyển nhượng cổ phần là giá trị quyền sử dụng đất tại dự án trên, nhưng không thực hiện định giá, đấu giá, đã gây thiệt hại cho Nhà nước 165 tỷ đồng.

Do đó, Nguyễn Thanh Giang và Lâm Chí Quang đã bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Không những thế, Cựu Tổng giám đốc VEAM Nguyễn Thanh Giang còn được xác định đã chỉ đạo mua hàng loạt thiết bị không có giá trị sử dụng, trong vụ án gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước gần 27 tỷ đồng.

Theo đó, vào năm 2005, Nguyễn Thanh Giang và Hồ Mạnh Tuấn (cựu Phó tổng giám đốc VEAM) đã chỉ đạo, thực hiện mua 101 bộ khuôn dập ca bin ô tô bằng kim loại cũ đã qua sử dụng, với giá 395.000 USD của Công ty P&H Incorporation (Hàn Quốc). Số thiết bị này sau đó được phê duyệt thanh toán với số tiền hơn 6,2 tỷ đồng.

Đầu năm 2011, Nguyễn Thanh Giang, đại diện VEAM, cùng Công ty liên doanh Veam Korea do chính Hồ Mạnh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT, đã ký 2 hợp đồng mua 204 khuôn dập kim loại cũ đã qua sử dụng, với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Cuối năm 2012, thời điểm này Lâm Chí Quang làm Tổng giám đốc VEAM, cũng tiếp tục ký văn bản phân công nhiệm vụ và phê duyệt dự toán nghiên cứu, chế thử và nội địa hóa mẫu cabin SV110, với tổng dự toán gần 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, VEAM không sản xuất mẫu cabin SV110 nào để lắp ráp, bán sản phẩm ra thị trường, do không có kế hoạch sản xuất xe sử dụng loại cabin trên.

Tất cả các khuôn dập cabin mua trước đó cũng trong tình trạng “đắp chiếu”, han gỉ, không có giá trị sử dụng.

Trong vụ án này, Nguyễn Thanh Giang đã bị tuyên phạt 11 năm tù; còn cựu Phó tổng giám đốc Hồ Mạnh Tuấn bị tuyên phạt 7 năm tù.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư