Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhập khẩu điều thô tăng bất thường
Thế Hải - 24/09/2021 09:05
 
Năm 2020, ngành điều xuất siêu 1,3 tỷ USD, nhưng 8 tháng của năm 2021, nhập khẩu lại gia tăng bất thường với tổng trị giá 3,4 tỷ USD, vượt xa so với con số nhập khẩu cả năm 2020.
Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp xuất khẩu điều tiếp tục nhận nhiều đơn hàng từ các thị trường lớn.

Điều thô từ Campuchia “đổ bộ”

Theo số liệu từ Bộ Công thương, 8 tháng của năm 2021, ngành điều đã nhập khẩu hơn 2,3 triệu tấn điều thô, trị giá hơn 3,4 tỷ USD, tăng 157% về lượng và tăng 203% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ở chiều xuất khẩu, đơn hàng vẫn tăng trưởng do các thị trường lớn như Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc tăng nhập điều từ Việt Nam, nhưng mức tăng trưởng thấp hơn so với nhập khẩu. Cụ thể, 8 tháng qua, xuất khẩu điều đạt 2,306 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng của năm 2021, có 308 doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu hạt điều (không bao gồm các cá nhân chưa đăng lý mã số thuế) vào Việt Nam.

Hạt điều được nhập khẩu nhiều nhất vào nước ta qua cửa khẩu Chàng Riệc (huyện Tân Biên, Tây Ninh) với sản lượng 615.000 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD; tiếp đó là nhập khẩu qua cảng Cát Lái (TP.HCM) với 480.000 tấn, trị giá 589 triệu USD.

Mức chi ngoại tệ nhập khẩu điều trong 8 tháng của năm nay cao hơn khoảng 1,6 tỷ USD so với cả năm 2020. Lượng điều nhập khẩu tăng vọt đã khiến nhập siêu ngành điều tăng kỷ lục, với gần 1,1 tỷ USD, trong đó, lượng điều nhập khẩu từ Campuchia gia tăng đột biến.

Sự gia tăng này không chỉ thể hiện trên con số thống kê, mà chính ngành điều Campuchia cũng khẳng định, gần như 100% sản lượng điều của nước này đều xuất sang Việt Nam. Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon cho biết, 8 tháng của năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu 876.531 tấn hạt điều, tăng 350% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 99% lượng điều được xuất sang Việt Nam, tương đương gần 870.000 tấn. Tuy nhiên, theo con số thống kê của Hải quan Việt Nam, thì con số này là hơn 1,1 triệu tấn.

Nhập khẩu điều là câu chuyện không mới. Với quy mô xuất khẩu hạt điều khoảng 3 tỷ USD/năm, nhiều năm nay, sản lượng điều trong nước thường xuyên không đáp ứng đủ nhu cầu. Trước đây, Việt Nam nhập điều thô chủ yếu từ các nước châu Phi, song từ đầu năm đến nay, điều thô từ Campuchia “đổ bộ”, với sản lượng gia tăng “khủng” so với các năm trước.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chia sẻ, Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới, song nguồn nguyên liệu trong nước hiện không đủ và chất lượng chưa cao. Do vậy,

các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu bổ sung và một trong những nguồn cung chính đến từ Campuchia.

Những năm qua, hạt điều sản xuất tại Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt hàng đầu thế giới, song chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho chế biến. Nông dân trồng điều vẫn còn nhiều khó khăn, diện tích trồng điều dần bị thu hẹp, cùng với thời tiết khô hạn kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung. Bởi vậy, nguyên liệu nhập khẩu dần trở thành nguồn cung cấp chính cho các doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu.

Do không chủ động được nguyên liệu tại chỗ, nên một số thời điểm, việc chế biến nhân điều phục vụ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất và thị trường thế giới biến động.

Đơn cử, hồi đầu năm 2020, do thiếu nguyên liệu sản xuất, nên đã có 12/33 doanh nghiệp chế biến hạt điều tại Long An phải dừng sản xuất; 70 - 80% số nhà máy chế biến hạt điều ở Bình Phước phải ngừng hoạt động. Tại một số địa phương khác, hàng loạt nhà máy chế biến hạt điều cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ông Lê Hậu, Giám đốc Công ty Hạt điều Phú Quang (Bình Phước) cho biết, doanh nghiệp này sử dụng nguyên liệu nhập từ Campuchia. Điều nhập khẩu từ thị trường này có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đảm bảo cho chế biến hàng xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Trung Đông…

Lý giải việc hạt điều thô xuất xứ Campuchia vào Việt Nam tăng mạnh, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại Bình Phước cho hay, con số nhập khẩu theo thống kê của Hải quan khiến nhiều người bất ngờ, nhưng bản thân doanh nghiệp ngành điều thì không lạ. Những năm trước, một lượng điều lớn từ Campuchia vẫn được nhập về Việt Nam nhưng đi theo các cửa khẩu phụ, lối mòn, nên không được thống kê đầy đủ. Năm 2021, trước việc kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, điều thô buộc phải nhập khẩu chính ngạch, nhập khẩu tiểu ngạch giảm đáng kể, nên con số thống kê rất lớn.

Cảnh báo tình trạng “mượn đường” để trốn thuế

Việc gia tăng nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu điều thô về chế biến hàng xuất khẩu tiềm ẩn những rủi ro nhất định trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Lãnh đạo Vinacas thừa nhận, hạt điều nhập khẩu về nhiều đang tiềm ẩn những rủi ro nhất định, rất khó để kiểm soát chất lượng, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm. Từ đó, rất dễ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chung của điều Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tình trạng lượng điều thô nhập khẩu tăng bất thường, đặc biệt từ thị trường được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% là Campuchia, cũng đang làm dấy lên nghi vấn trốn thuế của không ít doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan cho biết, kết quả rà soát tình hình nhập khẩu, số liệu kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điều thô trong thời gian qua cho thấy, có hiện tượng kim ngạch nhập khẩu điều thô tăng đột biến từ thị trường Campuchia và giảm mạnh nhập khẩu từ các nước thuộc châu Phi về Việt Nam. Tổng cục Hải quan đã đề nghị các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ quốc gia này.

Được biết, hạt điều nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng mức thuế 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN thuế mức là 5%. Bởi vậy, có lý do để nghi vấn, một số doanh nghiệp đã “mượn đường” qua Campuchia để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng này.

Theo chuyên gia, về chiêu thức vi phạm, trước tiên các đối tượng thành lập doanh nghiệp và giai đoạn đầu sẽ làm ăn đúng quy định để tạo niềm tin, tạo vỏ bọc, sau một thời gian sẽ nhập ồ ạt lượng lớn hàng hóa rồi bán trong nội địa để trốn thuế và chủ doanh nghiệp sẽ bỏ trốn. Chiêu thức thứ hai là thành lập nhiều “doanh nghiệp ma” để gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.

Gần 3,2 triệu tấn phân bón đã được nhập khẩu về Việt Nam
8 tháng năm 2021, cả nước nhập khẩu 3,16 triệu tấn phân bón các loại với tổng giá trị 909,34 triệu USD để đáp ứng nhu cầu phân bón tại thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư