Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhập siêu 6 tháng đầu năm gần 3,75 tỷ USD
Quang Hưng - 29/06/2015 09:52
 
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 77,75 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 81,5 tỷ USD.

 

 

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 14,9%). Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 11%).

Về các chỉ số tăng trưởng khác của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước; trong đó: tăng mạnh nhất là giá nhóm giao thông tăng 3,54%; tiếp đến là giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,3%. Hai nhóm có chỉ số giá giảm là: bưu chính viễn thông và hàng ăn và dịch vụ ăn uống đều giảm 0,03%.

So với tháng 12/2014, CPI tháng 6 tăng 0,55%. So với cùng kỳ năm trước: CPI tháng 6 tăng 1%. Bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,86%. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 2,01%, bình quân 6 tháng tăng 2,24%.

Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,09% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,37%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 4,58% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,26%). Cùng với việc phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng cũng được cải thiện tích cực, tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi. Tính đến 19/6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,28% so với cuối năm 2014, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.

Tốc độ tăng GDP Quý II ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của Quý I và cao hơn mức tăng cùng kỳ 5 năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước (cùng kỳ năm 2011: 5,92%; 2012: 4,93%; 2013: 4,9%; 2014: 5,22%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,36% (cùng kỳ năm 2014: 2,96%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,09% (cùng kỳ năm 2014: 5,93%); dịch vụ ước tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2014: 5,56%).

Tốc độ tăng trưởng GDP Quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao.

Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm ước đạt 9,09%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đâytrong đó: công nghiệp tăng 9,53% (cùng kỳ 2014 tăng 5,88%); xây dựng tăng 6,6% (cùng kỳ 2014 tăng 6,24%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2013: 5,3%; 2014: 5,8%). Đáng chú ý là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số IIP tăng 10% (cùng kỳ 2014 tăng 7,8%); tiếp đến là ngành khai khoáng, IIP tăng 8,2% (cùng kỳ 2014 giảm 1,5%), trong đó riêng về sản lượng dầu thô khai thác trong nước: 6 tháng đầu năm ước đạt 8,38 triệu tấn, tăng 830 nghìn tấn (tăng 11%) so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2,36%, thấp hơn mức tăng 2,96% của cùng kỳ năm 2014; trong đó: nông nghiệp tăng 1,9% (cùng kỳ tăng 2,24%); thủy sản tăng 3,3% (cùng kỳ tăng 5,89%); lâm nghiệp tăng 8,07% (cùng kỳ tăng 5,63%).

Trong 3 ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, chỉ có lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ chiếm 2,6% giá trị sản xuất của toàn ngành; trong khi nông nghiệp và thủy sản đều tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 5,9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (5,82%).  Một số ngành dịch vụ kinh doanh có tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Thương mại tăng 8,35%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,85%; hoạt động kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn, đạt mức tăng 2,72%. Tuy nhiên, một số ngành vẫn gặp khó khăn với mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, như: vận tải, kho bãi tăng 4,5% (cùng kỳ tăng 5,2%); dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,9% (cùng kỳ tăng 4,51%); đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm trước (giảm 11,3%).

Về phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, tình hình có nhiều chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể giảm. Trong 6 tháng đầu năm, có 45.406 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 282.396 tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể cả nước chỉ bằng 5,9% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thấp hơn rất nhiều so với thông lệ thị trường (khoảng 12-14%).

Nhập siêu 3,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm
Theo số liệu thống kê hàng hoá xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/5/2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư