Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Kiểm soát nhập siêu
Hà Nguyễn - 01/04/2015 09:15
 
Con số 1,8 tỷ USD nhập siêu, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2015 cho thấy phải thận trọng trước những diễn biến tới đây.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nhập siêu có thể quay trở lại trong năm 2015
Nhận diện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015
Nhập siêu từ Hàn Quốc tăng nhanh
Thấy gì khi nhập siêu quay trở lại?
Việt Nam đang nhập siêu 303,8 triệu USD từ Lào

Câu chuyện không chỉ là mục tiêu kiểm soát nhập siêu cả năm nay được ấn định ở mức 5%, trong khi ngay trong quý I đầu năm, tỷ lệ nhập siêu đã cao hơn, mà nhập siêu lớn sẽ ảnh hưởng tới cán cân thanh toán, tới tỷ giá - một trong những vấn đề được cho là cần quan tâm điều hành linh hoạt trong năm 2015.

Cần phải theo dõi sát tình hình để đảm bảo tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

Hiện tại, nếu nói nhập siêu là đáng lo thì chưa hẳn đã đúng, bởi trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa quý I/2015, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị vẫn chiếm tỷ lệ lớn (con số tuyệt đối là 34,4/35,7 tỷ USD). Nếu tính tương đối, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng 16,1% so với cùng kỳ 2014, trong đó, riêng máy móc, thiết bị tăng 44,4%; máy tính, linh kiện điện tử tăng 31,1%. Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng cao nhưng cũng tập trung ở các sản phẩm ô tô trên 9 chỗ phục vụ sản xuất (13.000 chiếc, tăng 141% so với cùng kỳ).              

Điều này có nghĩa, nhập khẩu tăng nhanh, nhập siêu lớn là do sản xuất đang phục hồi, nhập siêu không phải do nhập hàng tiêu dùng xa xỉ, mà để phục vụ sản xuất. Đó là điều đáng mừng khi dự báo kinh tế quý II/2015 tiếp tục có diễn biến tích cực.

Tuy vậy, mức nhập siêu 1,8 tỷ USD vẫn là con số khá cao khi so với mức thặng dư thương mại 453 triệu USD cùng kỳ năm 2013 hay 1,15 tỷ USD quý I/2014. Điều này càng cần được quan tâm khi nhiều dấu hiệu cho thấy, xuất khẩu đang gặp khó khăn nhất định. Cụ thể, trong quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng phân nửa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các năm 2013 - 2014 và thấp hơn mục tiêu điều hành (tăng 10%). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại chủ yếu do trong quý I vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm cả về lượng và giá, với mức giảm hơn 790 triệu USD. Cộng với sự sụt giảm của nhóm khoáng sản, chỉ trong 3 tháng đầu năm, riêng hai nhóm hàng này đã làm kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm 1,6 tỷ USD.

Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy, xuất khẩu trong thời gian tới có thể tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới hồi phục chậm, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm. Việc Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại cũng được cho là sẽ tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Việc đồng USD trong xu hướng tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác cũng có thể tác động bất lợi đến xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, không thể không thận trọng với cả xuất khẩu lẫn nhập siêu. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải theo dõi sát tình hình để thúc đẩy, nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10%, đồng thời kiểm soát nhập khẩu, đảm bảo tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

Đây là bài toán cần tính tới ngay ở thời điểm này vì thay đổi cán cân thương mại sẽ tác động rất lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá của Việt Nam. Dĩ nhiên, sự thay đổi đó cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Chính phủ vừa truyền đi thông điệp về việc kiên định mục tiêu điều hành để đạt và phấn đấu vượt mức tăng trưởng mục tiêu 6,2% GDP đề ra trong năm nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư