Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm
Hà Nguyễn - 27/07/2016 20:25
 
7 tháng đầu năm, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 16,7 tỷ USD, giảm 11,5% (tương đương 2,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

Số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố, 7 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 27,4 tỷ USD, giảm 3,1% (tương đương giảm 881 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này đã kéo theo nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trong 7 tháng qua chỉ còn 16,7 tỷ USD, giảm 11,5% (tương đương 2,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

.
.

Tuy nhiên, việc giảm nhập siêu từ Trung Quốc nhiều khả năng chỉ mang tính thời điểm, chứ không phải là do thay đổi về cơ cấu hàng nhập khẩu.

Thực tế, trong 7 tháng đầu năm, hầu hết các thị trường nhập khẩu chủ yếu có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài Trung Quốc, thị trường ASEAN ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,1% (565 triệu USD); Nhật Bản ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 4,1% (350 triệu USD); EU ước đạt 5,9 tỷ USD, giảm 1,3% (75 triệu USD) so với cùng kỳ 2015.

Với kết quả này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu của cả nước chỉ ước đạt 95 tỷ USD, giảm 0,9% (870 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 55,4 tỷ USD, giảm 2,4% (1,3 tỷ USD), khu vực đầu tư trong nước ước đạt 39,6 tỷ USD, tăng 1,2% (472 triệu USD).

Điều đáng nói là, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất đều giảm. Chẳng hạn, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 5,8% (944 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện giảm 10,9% (677 triệu USD); sản phẩm từ sắt thép giảm 35,3% (853 triệu USD); Xăng dầu 17,1% (582 triệu USD) nhưng lượng vẫn tăng 25,1% (1,5 triệu tấn) do giá giảm...

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước tăng nhẹ so với cùng kỳ. Con số cụ thể là 96,8 tỷ USD, tăng 5,3% (4,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trong nước ước 27,9 tỷ USD, tăng 2,4% (644 triệu USD), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước 68,9 tỷ USD tăng 6,5% (4,2 tỷ USD).

Như vậy, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu càng ngày càng lùi xa mục tiêu tăng trưởng 10% của cả năm. Khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra càng ngày càng không khả thi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, ước tính cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 thặng dư 100 triệu USD, kéo theo xuất siêu 7 tháng đầu năm đạt gần 1,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục thặng dư 13,5 tỷ USD và khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu với 11,7 tỷ USD.

“Tuy cán cân thương mại thặng dư nhưng nếu giá cả hàng hóa trên thế giới giảm cùng với bất ổn ở châu Âu và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay rất khó để đạt mục tiêu 10% như kế hoạch đã đề ra”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Gần 10,7 tỷ USD nhập hàng từ Trung Quốc
3 tháng đầu năm 2016, tổng chi ngoại tệ của nước ta để nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc lên tới 10,7 tỷ USD, với các nhóm hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư