Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhật Bản tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng
Đông Phong - 22/09/2023 18:10
 
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì chính sách siêu lỏng lẻo và giữ nguyên lãi suất vào ngày 22/9 do lo ngại "những bất ổn cực kỳ cao" về triển vọng tăng trưởng trong nước và toàn cầu.
ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và giới hạn lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0. Ảnh: AFP
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và giới hạn lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0. Ảnh: AFP

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và giới hạn lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0, cơ quan này nêu trong một tuyên bố chính sách sau cuộc họp tháng 9. Cơ quan này dự kiến tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 29/9 mà tại đó Thống đốc Kazuo Ueda sẽ đưa ra những dự báo cụ thể hơn.

"Với những bất ổn cực kỳ cao xung quanh các nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước, Ngân hàng sẽ kiên nhẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ, đồng thời ứng phó nhanh chóng với những diễn biến trong hoạt động kinh tế và giá cả cũng như các điều kiện tài chính", Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đánh giá.

Tuy nhiên, động thái duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản biến cơ quan này trở thành một ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn vốn đã mạnh tay tăng lãi suất trong hai năm qua để kiểm soát lạm phát tăng vọt.

Một phần do sự khác biệt về chính sách giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, đồng yên Nhật hôm 22/9 đã giảm khoảng 0,4% xuống còn khoảng 148,16 JPY đổi 1 USD, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hầu như không thay đổi. Đồng yên hiện đã suy yếu hơn 11% so với đồng đô la Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại.

Quyết định chính sách hôm 22/9 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngược dòng với một loạt quyết định chính sách khác của các ngân hàng trung ương lớn. Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25 - 5,5% trong khi Ngân hàng Trung ương Anh chấm dứt chuỗi 14 đợt tăng lãi suất liên tiếp.

Tại cuộc họp chính sách trước đó vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã nới lỏng việc kiểm soát đường cong lợi suất để lãi suất dài hạn biến động nhiều hơn cùng với lạm phát gia tăng, đánh dấu lần thay đổi chính sách đầu tiên của Thống đốc Ueda kể từ khi nhậm chức vào tháng 4 năm nay.

Kiểm soát đường cong lợi suất là một công cụ chính sách mà ở đó Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhắm đến mục tiêu lãi suất, sau đó mua vào và bán ra trái phiếu khi cần thiết để đạt được mục tiêu.

Việc mở rộng phạm vi cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm biến động cộng và trừ 0,5 điểm phần trăm từ mục tiêu 0% lên 1%, được coi là bước khởi đầu cho việc dần rời bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất do người tiền nhiệm của Thống đốc Ueda ban hành.

Nhiều nhà kinh tế dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ nhanh chóng thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng vào khoảng nửa đầu năm 2024 sau khi Thống đốc Ueda khẳng định trong bài phỏng vấn được thời báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) xuất bản ngày 11/9 rằng cơ quan này có thể có đủ căn cứ dữ liệu vào cuối năm nay để xác định khi nào có thể chấm dứt lãi suất âm.

Mặc dù lạm phát lõi đã vượt quá mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong 17 tháng liên tiếp, nhưng các quan chức tiền tệ của nước này vẫn thận trọng việc chấm dứt kích thích, nhằm đối phó với tình trạng giảm phát trong nhiều thập kỷ.

Lạm phát cơ bản tại Nhật Bản trong tháng 8, bao gồm giá cả các sản phẩm dầu mỏ nhưng không bao gồm giá cả thực phẩm tươi sống dễ biến động, đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8, không bao gồm giá cả mặt hàng năng lượng và thực phẩm tươi sống, đã tăng 4,3% so với một năm trước.

Tăng trưởng tiền lương, chênh lệch sản lượng - thước đo sự khác biệt giữa sản lượng thực tế và tiềm năng của một nền kinh tế - và kỳ vọng về giá, là những yếu tố mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ưu tiên làm động lực lạm phát có ý nghĩa.

Ông Oliver Lee, giám đốc danh mục khách hàng tại quỹ đầu tư Eastspring Investments, cho rằng: "Nhật Bản đang có cơ hội tốt nhất để chuyển từ môi trường giảm phát sang môi trường lạm phát hơn một chút và có mức độ lâu dài".

"Điều quan trọng là tiền lương. Nhật Bản cần chứng kiến mức lạm phát tiền lương có ý nghĩa và bền vững, điều này có thể tác động tâm lý đến tiêu dùng", ông Lee nói thêm.

"Hy vọng rằng đây có thể là sự khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng kinh tế tích cực, nhưng vẫn còn quá sớm để nói liệu điều đó có thành công hay không. Có lẽ cần thêm 6 đến 12 tháng nữa để xác định xem chúng ta đang ở đâu trên mặt trận đó", ông Lee nhận định.

Việc tăng lãi suất quá sớm có thể làm chệch hướng tăng trưởng, trong khi việc trì hoãn quá mức trong chính sách thắt chặt sẽ đè nặng thêm lên đồng Yên Nhật và làm tăng rủi ro "băng mỏng" tài chính.

Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng sẽ gây thêm áp lực lên Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đã cam kết giúp người tiêu dùng nước này đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao trong cuộc cải tổ nội các vào tuần trước.

Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi  tình trạng giảm phát một cách có ý nghĩa với mức tăng trưởng tiền lương luôn vượt quá tỷ lệ lạm phát.

Mới đây, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý II/2023 đã bị điều chỉnh giảm xuống mức 4,8%, so với mức tăng 6% ban đầu do chi tiêu vốn yếu.

Trong khi chênh lệch sản lượng tăng 0,4% trong quý II, đánh dấu mức tăng đầu tiên trong 15 quý. Dữ liệu kinh tế trong nước không đồng đều và triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn càng khiến nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trở nên phức tạp hơn.

Không loại trừ quyết sách bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
Sau cú sốc dội vào thị trường tài chính toàn cầu trong tháng 12/2022, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuần trước tiếp tục "chiếm spotlight" với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư