Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhiễm ký sinh trùng - căn bệnh phổ biến và có thể gây tử vong
D.Ngân - 02/10/2022 16:28
 
Nhiễm ký sinh trùng là căn bệnh phổ biến mà người dân Việt Nam mắc phải nhưng nhiều người thường chủ quan.

PGS. Đỗ Trường Sơn, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, hiện khoa đang điều trị cho 3 bệnh nhân nữ, có kết quả xét nghiệm dương tính với ký sinh trùng giun đũa chó mèo và giun lươn.

Để phòng bệnh ký sinh trùng việc đầu tiên phải làm là ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, cần uống thuốc tẩy giun định kỳ.

Thông tin về trường hợp mắc giun lươn các bác sĩ cho biết, trước khi đến viện, người bệnh thường xuyên đau ở vùng hạ sườn phải, có tiền sử tăng huyết áp đã điều trị nhiều năm. 

Lo sợ mình bị ung thư (do mẹ bệnh nhân từng mắc ung thư gan và qua đời) nên bệnh nhân đến Bệnh viện E thăm khám.

Tại Bệnh viện E, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với giun lươn, các xét nghiệm về ung thư đều bình thường, có men gan cao.

Khi nhận kết quả, bệnh nhân vô cùng bất ngờ, bản thân chị chưa từng nghe về ký sinh trùng giun lươn, hơn nữa vấn đề sinh hoạt, ăn uống rất hàng ngày rất sạch sẽ. Bát đũa ăn cơm luôn tráng nước sôi, hấp khử khuẩn trước khi ăn. 

Người bệnh chỉ bán hàng chứ không làm ruộng, cũng không trồng rau nên không tiếp xúc với đất cát. Gia đình cũng không nuôi chó mèo và bệnh nhân cũng không ăn đồ sống.

Các bác sĩ cho biết, trường hợp của bệnh nhân này nguyên nhân nhiễm bệnh có thể là do trong quá trình nhặt rau bị ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể qua vết xước măng rô ở ngón tay mà rau đó có chứa ấu trùng. 

Trước đó một thời gian bệnh nhân rất ngứa ở ngón tay cái và vị trí gần cổ tay, sau đó lại hết ngứa nên không để ý, không đi khám.

Ngoài bệnh nhân trên, hiện Bệnh viện E cũng đang điều trị cho hai trường hợp khác được chẩn đoán mắc giun đũa chó mèo. Đáng nói, cả hai trường hợp này đều có bệnh lý nền trước đó.

Cũng về nhiễm ký sinh trùng các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận trường hợp bệnh nhân N.T (Hà Tĩnh) trước đó khỏe mạnh nhưng bỗng nhiên bị liệt nửa người. Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI, phát hiện một nửa bán cầu não có rất nhiều khối u.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai và ký sinh ở trong não, chính giun này gây nên những khối u bên trong và dẫn tới bị liệt. Điều này do bệnh nhân thường ăn các loại gỏi thủy hải sản.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân không ăn rau sống, ăn uống sạch sẽ vẫn bị nhiễm ký sinh trùng.

Trước đó, tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cũng từng tiếp nhận một nam thanh niên ở Đan Phượng, Hà Nội bị nhiễm giun đầu gai, nơi loại giun này ký sinh là ở phần bìu, sau đó lại chạy lên thành bụng. 

Bệnh nhân sau khi bị ngứa ngáy, da vùng bìu sưng phồng thành từng đợt, sẩn nề và đau nên đã đi khám.

Sau khi thăm khám, kết quả bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da do ký sinh trùng gây nên. 

Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ, dùng thuốc đến ngày thứ 8 thì tổn thương vùng thành bụng bên phải khu trú lại và tự bắt được bệnh phẩm nghi ngờ ký sinh trùng.

Qua xét nghiệm xác định, ký sinh trùng bệnh nhân mắc phải là giun đầu gai. Khai thác tiền sử, bệnh nhân này cho biết, anh có thói quen ăn thịt ếch nướng và đây chính là nguyên nhân khiến anh nhiễm ký sinh trùng.

Ths. Vũ Mạnh Cường, Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E, cho biết với giun đũa chó mèo, bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với nguồn phân chó mèo có chứa ấu trùng hoặc ăn các loại rau sống có chứa ấu trùng này.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường cho biết giun lươn thường lây qua da, vào mạch máu (tĩnh mạch) và cũng có thể lây qua đường ăn uống. 

Do đó, nhiều người dù ăn uống rất sạch sẽ nhưng vẫn nhiễm bệnh, đường lây nhiễm có thể do tiếp xúc với đất, nhặt rau có ấu trùng.

"Giun lươn khi ký sinh ở cơ quan nào sẽ gây tổn thương cho cơ quan đó. Nếu ký sinh tại gan dễ gây áp xe gan, lên não có thể gây áp xe não, tổn thương não. Nếu không phát hiện kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Cường cho biết.

Về phương pháp điều trị, bác sĩ Cường cho hay, tùy từng loại ký sinh trùng sẽ có thời gian điều trị khác nhau, có thể kéo dài từ 2-4 tuần theo đúng phác đồ của bác sĩ. Với trường hợp có ổ áp xe ở một số bộ phận thì cần tiến hành chọc hút.

Đặc biệt, khi đã nhiễm ký sinh trùng, dù điều trị khỏi nhưng vẫn hoàn toàn có khả năng mắc lại, vì thế việc phòng bệnh là rất quan trọng.

Theo bác sĩ Cường, triệu chứng khi nhiễm ký sinh trùng đa số đều có đặc điểm mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu, gầy sút cân.

Để phòng bệnh, việc đầu tiên phải làm là ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, cần uống thuốc tẩy giun định kỳ.

Khi lao động cần phải có đồ bảo hộ vì có ký sinh trùng lây nhiễm qua da. Nếu thấy cơ thể có bất thường, cần đi khám sớm để loại trừ nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và các bệnh lý khác.

Để xác định bệnh một người có nhiễm ký sinh trùng, theo chuyên gia, thông thường sẽ có 2 phương pháp là chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán xét nghiệm.

Chẩn đoán lâm sàng: Thông qua các biểu hiện của cơ thể để bác sĩ chẩn đoán, tuy nhiên, người bị nhiễm ký sinh trùng lại chưa có những triệu chứng rõ ràng, cụ thể.

Thậm chí có những trường hợp còn giống với các bệnh khác cho nên việc chẩn đoán lâm sàng thường gặp nhiều khó khăn và chưa khẳng định được chắc chắn. Để có thể chắc chắn bệnh thì cần thực hiện xét nghiệm ký sinh trùng.

Chẩn đoán xét nghiệm: Soi trên lam máu tế bào ngoại vi có thể phát hiện được các loại ký sinh trùng trong máu (nếu có) như ký sinh trùng sốt rét, giun chỉ bạch huyết.

Xét nghiệm miễn dịch huyết thanh trong máu. Soi phân của người bệnh để tìm ra các sinh vật đơn bào, ấu trùng giun lươn, giun sán. 

Xét nghiệm mô bệnh học, sinh thiết có thể phát hiện được một số ký sinh trùng như nhóm sán dây lợn, sán dây bò.

Xét nghiệm soi tươi hoặc PCR có thể phát hiện được một số loại ký sinh trùng trong các một số loại bệnh phẩm như dịch sinh học, chất thải, dịch mủ, chất nôn.

Xét nghiệm soi tươi từ tế bào sừng (móng, vảy da...). Xét nghiệm vật chủ trung gian gây bệnh. Qua thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày có thể sẽ là nguồn trung gian gây bệnh như tôm, cá, cua, ruồi, rau, đất, nước.

Ngoài ra còn một số xét nghiệm khác hỗ trợ rất tốt trong việc chẩn đoán bệnh ký sinh trùng như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để kiểm tra bạch cầu ái toan tăng cao hay không, men gan, tổng phân tích nước tiểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư