Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải trầm trọng
D.Ngân - 28/07/2022 11:23
 
Tại nhiều cơ sở y tế, bệnh nhân tăng tới gần 300% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sau cao điểm dịch Covid-19, người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện nhiều, tăng tới gần 300% so với trước. 

Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang tham khám cho bệnh nhân.

Theo đó, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2021, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 51.000 lượt người tới khám chữa bệnh, thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 140.000 bệnh nhân tới khám (tăng gần 100.000 trường hợp). Bệnh viện rơi vào cảnh quá tải trầm trọng. 

Ông đơn cử, 6 tháng đầu năm 2021, lượt người chụp X-quang là 47.000 trường hợp, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 100.000 lượt (tăng hơn 200%); chụp cộng hưởng từ 6 tháng đầu năm 2021 là 14.586 lượt người, năm nay tăng hơn 200% là 30.254 lượt người; 

Đặc biệt chụp CT tăng 300%, từ 2.508 lượt của 6 tháng năm ngoái tăng lên hơn 8.000 lượt của năm nay; nội soi từ 2.500 ca lên hơn 5.900 ca; siêu âm hơn 20.000 ca lên gần 49.000 ca; xét nghiệm 6 tháng năm 2021 là 194.000 lượt người, cùng kỳ năm nay tăng mạnh lên hơn 674.000 lượt (tăng hơn 300).

“Chúng tôi không có quyền từ chối bệnh nhân đến khám chữa bệnh, ngoài bệnh nhân cấp cứu từ các tuyến chuyển lên, bất cứ người bệnh nào tới khám, chúng tôi đều tiếp nhận và phục vụ đến bao giờ hết bệnh nhân mới thôi. Trong khi cơ sở vật chất, nhân lực y tế chỉ có thế, không tăng, nên không tránh được quá tải”, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết.

PGS.TS. Khánh cũng cho biết thêm, do số lượng bệnh nhân phẫu thuật tại bệnh viện tăng đột biến, chỉ trong 6 tháng đã gần như hết dự trù vật tư, sinh phẩm cho cả năm. Do vậy, bệnh viện phải kịp thời bổ sung công tác đấu thầu mua sắm, nên không có tình trạng bệnh nhân phải ra ngoài mua thêm vật tư y tế.

Hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, mỗi người bệnh thường có 1-2 người nhà đi cùng (khoảng 2.000-4.000 người), cùng với 2.000 nhân viên y tế, như vậy tại bệnh viện mỗi ngày có khoảng 10.000 người lưu lại quanh bệnh viện.

Không chỉ riêng tại Việt Đức, tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng rơi vào cảnh quá tải sau dịch, bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng đột biến.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân nhập viện tăng gần gấp đôi so với thời gian cao điểm dịch Covid-19, hiện 300 giường đã rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép. Trung tâm Tim mạch của bệnh viện lúc nào cũng chật kín giường bệnh, có thời điểm phải nằm ghép.

Bệnh viện K cũng trong cảnh tương tự khi bệnh nhân tuyến dưới lên khám, chữa bệnh rất đông; bệnh nhân tái khám và người bệnh đến truyền hóa chất theo lịch hẹn liên tục.

Do dịch Covid-19 nhiều người trì hoãn đi khám, nay hết dịch người dân tuyến dưới vượt tuyến rất nhiều. Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế do quá đông bệnh nhân, lại thiếu thuốc, vật tư y tế, với những bệnh có thể trì hoãn mổ thì để lại, ưu tiên những ca mổ cấp cứu.

Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, trong 3 tháng lại đây, trung bình mỗi ngày có hơn 900-1.000 người tới khám chữa bệnh, tăng nhiều so với thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Bệnh viện có 800 bệnh nhân điêu trị nội trú, hơn 400 người điều trị ngoại trú. 

Trung bình mỗi đêm, bệnh viện cấp cứu hơn 100 ca. Tại Khoa Điều trị tích cực và chống độc có 20 giường hồi sức thì lúc nào cũng trong tình trạng gần như kín. 

“Bệnh nhân nặng vào nhiều hơn, chúng tôi thường làm thông trưa. Khoa hiện có 18 bệnh nhân nặng đang phải điều trị hồi sức, trong đó có 8 ca thở máy, còn lại thở oxy gọng kính”, bác sĩ CKI. Hoàng Văn Điện, Phó trưởng Khoa cho biết.

Để giải bài toán bệnh nhân quá tải, hầu hết các nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều tăng giờ làm từ 8 giờ đến 12-16 giờ để kịp thời giải quyết hết cho nhu cầu của bệnh nhân. 

Các khu vực khám bệnh, chụp chiếu, nội soi… bố trí nhân lực đi làm từ 6 giờ sáng khám đến 7 -8 giờ tối hết bệnh nhân mới dừng. Thậm chí có bộ phận tăng ca làm việc đến 22h đêm.

“Bệnh viện đang gấp rút xây dựng thêm 1 khu vực khám bệnh, thời gian tới đưa vào hoạt động, sẽ khắc phục được tình trạng quá tải ở phòng khám”, PGS.TS. Khánh cho hay.

Được biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được giao 1.508 giường bệnh, tuy nhiên lượng bệnh nhân nội trú thực tế lên tới 2.000 người/ngày. Bệnh viện đã cố gắng không để bệnh nhân phải nằm ghép bằng cách trưng dụng thêm những khu vực có thể biến thành phòng bệnh để bố trí thêm giường bệnh, cáng cho bệnh nhân. Tất ca các khu vực này đều có điều hòa, quạt…

Hiện nay, lượng bệnh nhân chờ mổ của Việt Đức rất lớn, để giải quyết vấn đề này, bệnh viện đã triển khai mổ ngoài giờ, mổ xuyên các ngày nghỉ, ngày lễ Tết để giảm thiếu tới mức tối đa số lượng bệnh nhân phải chờ mổ. 51 phòng mổ của bệnh viện hoạt động liên tục, hết công suất. 

Nếu như năm 2021 toàn bệnh viện thực hiện 29.000 ca phẫu thuật, thì chỉ 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã mổ tới hơn 35.000 ca.

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương, trong đó có Bạch Mai, Việt Đức, cuối năm 2014 Bộ Y tế đã triển khai xây dựng cơ sở 2 của hai bệnh viện ở Hà Nam. 

Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, 2 cơ sở này vẫn chưa được đưa vào hoạt động và tiếp tục trễ hẹn đến năm thứ 5. 

Trong khi tình trạng quá tải đang diễn ra thì cơ sở 2 của cả hai bệnh viện này vẫn đang “đắp chiếu”. Nếu 2 cơ sở này triển khai hoạt động khám chữa bệnh, sẽ giảm tải rất nhiều cho cơ sở 1, cũng như tiết kiệm được sức người, sức của cho người bệnh. 

2 nhóm giải pháp giảm quá tải bệnh viện
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư