Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều đại gia ngoại thâm nhập thị trường qua góp vốn, mua cổ phần
Nguyên Đức - 01/06/2019 08:39
 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn cách thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần.
Taisho (Nhật Bản) đang muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 51%. Ảnh: Đức Thanh
Taisho (Nhật Bản) đang muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 51%. Ảnh: Đức Thanh

Ông lớn dồn dập “gửi chân”

Thông tin vừa được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông báo cách đây ít ngày, SK Investment Vina II, quỹ đầu tư thành viên của SK Group (Hàn Quốc) đã chính thức hoàn tất việc mua 205,7 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup, để trở thành cổ đông lớn của tập đoàn này. Tổng số tiền mà SK đã bỏ ra để có thể sở hữu 6,15% vốn điều lệ Vingroup là 1 tỷ USD.

Như vậy, SK - sau khi đã dốc khoảng 470 triệu USD để sở hữu 9,45% cổ phần tại Masan, đã quyết định dấn thêm một bước chân nữa tại thị trường Việt Nam thông qua việc mua cổ phiếu của Vingroup. Động thái này cho thấy, SK đang từng bước thực hiện cam kết “đồng hành với quá trình phát triển của Việt Nam”, mà Chủ tịch Tập đoàn, ông Chey Tae Won đã từng khẳng định với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo chia sẻ của ông Chey Tae Won, SK rất quan tâm đến việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, lựa chọn tham gia, tái cấu trúc đưa một công ty trở thành công ty mẹ, từ đó tạo ra các chuỗi công ty tại Việt Nam.

Cũng chính SK cam kết sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD cho việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC). Còn SK Telecom, một thành viên của Tập đoàn SK, từ nhiều năm trước đây, đã tới Việt Nam bày tỏ mối quan tâm đến quá trình cổ phần hóa MobiFone.

Tất nhiên, từ kế hoạch trở thành hiện thực còn là một chặng đường dài, song rõ ràng, mối quan tâm của SK tới thị trường Việt Nam là không hề nhỏ. Ít nhất, có gần 1,5 tỷ USD đã được SK - tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn thứ 3 Hàn Quốc - hiện thực hóa.

Không quá khó hiểu vì sao SK dốc vốn vào Vingroup và Masan, bởi đây là hai tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Tương tự, không quá khó hiểu vì sao Mitsui (Nhật Bản) cách đây ít ngày cũng đã công bố việc đạt được thỏa thuận mua lại 35,1% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Minh Phú hiện đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam.

Đầu tư vào Minh Phú, Mitsui muốn hợp tác xây dựng để đưa doanh nghiệp này lớn mạnh, có thể nắm giữ 25% thị phần tôm toàn cầu vào năm 2035. Trước đó, vào năm 2013, Mitsui đã đầu tư vào Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, một công ty con thuộc Minh Phú.

Trong khi đó, Taisho Pharmaceutical Co,.Ltd không hề giấu giếm tham vọng nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang, sau khi đăng ký mua thêm 300.000 cổ phiếu DHG từ ngày 15/5 đến ngày 13/6/2019. Mua thêm được số cổ phần này, Taisho nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại Dược Hậu Giang lên 51%, một “tỷ lệ vàng” để Taisho có được quyền điều hành ở một trong những doanh nghiệp dược phẩm lớn tại Việt Nam.

Hiện thực hóa tham vọng

Không chỉ các ông lớn nói trên, mà ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn con đường góp vốn, mua cổ phần để thâm nhập thị trường Việt Nam. “Đó là con đường ngắn nhất để các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhanh chóng hiện thực hóa tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam, thay vì chỉ thông qua hình thức đầu tư trực tiếp như trước đây”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nhiều lần nhấn mạnh với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Những con số trong thực tế càng khẳng định chắc chắn xu hướng này. Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần thậm chí đã lớn hơn con số 6,46 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới trong 5 tháng qua. Đây thực sự là một xu hướng rất đáng chú ý.

Phân tích xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng đầu năm, các chuyên gia cho rằng, một số lượng lớn các khoản đầu tư dịch chuyển là để né tránh những tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, hơn một thập kỷ qua, ASEAN và Việt Nam được các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận như một “lựa chọn sản xuất hiệu quả” nhờ vào vai trò quan trọng của khu vực này trong chuỗi cung ứng sản xuất. Khi căng thẳng thương mại xảy ra, các công ty đa quốc gia càng muốn đa dạng hóa chiến lược chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, với mạng lưới sản xuất và cơ tầng sẵn có, các quốc gia như Việt Nam sẽ hưởng lợi chính trong sự dịch chuyển năng lực sản xuất này.

Việc chỉ trong 5 tháng đầu năm đã có tới 16,74 tỷ USD vốn nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 69,15% so với cùng kỳ năm 2018, là minh chứng khá rõ nét cho xu hướng này. Tất nhiên, trong quá trình dịch chuyển sản xuất để “tránh bão” đó, góp vốn, mua cổ phần càng là con đường được ưu tiên lựa chọn.

Thế nên, theo dự báo, xu hướng đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, cùng với dòng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp vẫn đang tăng tốc.

Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký.

Thậm chí, nếu không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông, thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore rót thêm hơn 662 tỷ đồng mua cổ phần của VNG
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Quỹ đầu tư Seletar Investments, một quỹ đầu tư có quan hệ mật thiết với Temasek Holdings, vừa hoàn thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư