Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cú bắt tay nội - ngoại trên thị trường dược phẩm
Anh Hoa - 17/07/2018 19:17
 
Sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước.

“Cuộc hôn nhân” êm thấm

 7 thành viên HĐQT Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã: DHG) cùng đồng ý cho cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản là Taisho nâng sở hữu từ 24,94% lên 32% vốn. Taisho sẽ bỏ ra 47,7 triệu USD để mua số cổ phiếu mong muốn. Việc nắm giữ 32% cổ phần sẽ cho phép Taisho có tới 3 chân cho HĐQT của Dược Hậu Giang.

Taisho đang là cổ đông lớn thứ hai tại Dược Hậu Giang, sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), chiếm 43,31%. Đáng chú ý, giá chào mua công khai dự kiến của Taisho cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay của Dược Hậu Giang. Sau một thời gian giảm mạnh, cổ phiếu DHG đang giao dịch quanh mức 99.000 - 101.000 đồng/cổ phiếu.

.
Taisho đang là cổ đông lớn thứ hai tại Dược Hậu Giang.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh doanh ở Đông Nam Á, vào tháng 7/2016, Taisho đã chi 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần, với mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Taisho đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,94% trong tháng 6/2018.

Ý muốn của Taisho được đưa ra sau khi có thông tin Dược Hậu Giang nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% vốn cổ phần. Đây là động thái mở đường cho nhà đầu tư ngoại tăng sở hữu tại công ty dược này, khi mà khối ngoại đã sở hữu tối đa 49% cổ phần từ nhiều năm nay.

Dược Hậu Giang sẽ tập trung sản phẩm của mình sau nới room. Do đó, về cơ cấu doanh thu, sản phẩm thuốc tự sản xuất nhiều khả năng chiếm 81,9% doanh thu thuần. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu phân phối thuốc giảm mạnh xuống chỉ còn 16,6% trong tổng doanh thu thuần từ mức 21,1% cùng kỳ năm ngoái.

Giới phân tích cho rằng, việc hợp tác với Taisho đang đem lại hiệu quả cho Dược Hậu Giang nhờ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển, sự gia tăng tiềm năng xuất khẩu và hoạt động quản trị chuỗi cung ứng được cải thiện.

Nhờ sự hỗ trợ của Taisho, Dược Hậu Giang có thể áp dụng tiêu chuẩn khu vực cho các nhà máy của mình, chẳng hạn như:  PIC/s of Malaysia cho sản phẩm non betalactam (2) PMDA của Nhật Bản cho sản phẩm non beta-lactam với ngân sách rất tiết kiệm.

Toan tính dài hạn

Mặc dù chưa có thông tin chính thức liên quan đến việc SCIC thoái vốn, SSI Research cho rằng, việc nâng trần sở hữu khối ngoại (FOL) là một trong những bước đầu tiên để thoái vốn nhà nước tại Dược Hậu Giang, tương tự trường hợp của Vinamilk.

Bởi Dược Hậu Giang là nhà sản xuất thuốc trong nước lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường, khi chiếm khoảng 4,9% thị phần, sau Pfizer của Mỹ và GlaxoSmithKline của Anh. Các sản phẩm chính của Dược Hậu Giang bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và vitamin.

Trong khi đó, trải qua hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển, Taisho hiện sở hữu 10 công ty con, 1 công ty liên kết cùng 8 nhà máy sản xuất tại Nhật. Ngoài ra, công ty còn mở rộng tới 14 công ty con ở thị trường nước ngoài nhiều tiềm năng như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông, Mỹ, Mexico… Taisho nằm trong top 5 doanh nghiệp dược lớn nhất tại Nhật với tổng tài sản 800 tỷ yên (khoảng 7,2 tỷ USD), vốn góp hiện tại đạt 29,8 tỷ yên với số lượng nhân viên khoảng 3.305 người.

Việc hợp tác sẽ đem lại hiệu quả nhờ hoạt động chuyển giao công nghệ, gia tăng tiềm năng xuất khẩu và hoạt động quản trị được cải thiện.

Nhiều khả năng Taisho muốn mua thêm cổ phần của Dược Hậu Giang lên mức chi phối, từ 51%, bởi thị trường dược phẩm của Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài khi có tốc độ tăng trưởng hai con số, được thúc đẩy bởi dân số trên 93 triệu người. Dự báo doanh thu toàn thị trường sẽ tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2018 lên hơn 7 tỷ USD vào năm 2020, theo Business Monitor International.

Để giảm sự phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu, vẫn chiếm hơn 50% nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong các loại thuốc được cấp bằng sáng chế, Việt Nam đang có chính sách hỗ trợ ngành sản xuất thuốc trong nước. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến Taisho phải tranh thủ cơ hội nắm cổ phần chi phối Dược Hậu Giang.

Song không chỉ Taisho được hưởng lợi. Làm việc với đối tác chiến lược Taisho, Dược Hậu Giang cũng được nhiều hơn mất. Chẳng hạn, trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Taisho là cánh tay nối dài của Dược Hậu Giang. Dược Hậu Giang đã nâng cấp sản xuất viên sủi bọt, nhằm xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực bao gồm Malaysia, Indonesia và Philippines.

Không chỉ Dược Hậu Giang lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại. Năm 2016, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco trở thành công ty dược phẩm niêm yết đầu tiên Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài. Abbott Laboratories là cổ đông lớn nhất tại Domesco, với 51,69% cổ phần.

Sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước. Mức độ cạnh tranh trong thị trường dược phẩm những năm tới được đánh giá sẽ diễn ra khốc liệt hơn.

Không dễ đoán định tương lai của Domesco
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã DMC, sàn HOSE) vừa đưa ra kế hoạch kinh doanh 2018 với mục tiêu có vẻ vừa sức. Tuy nhiên, bức tranh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư