Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động sang Hàn Quốc đóng tàu sai quy định
Thùy Liên - 09/11/2022 11:12
 
Trước tình trạng các doanh nghiệp đua nhau tuyển lao động sang Hàn Quốc đóng tàu không đúng quy định, loạn phí, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đưa ra hướng dẫn.
f
Hàn Quốc khát lao động đóng tàu.

Hàn Quốc đang khát lao động đóng tàu. Theo nghiên cứu công bố hôm 23/10 của Hiệp hội Đóng tàu và Hàng hải Hàn Quốc (KOSHIPA), nước này cần khoảng 135.000 lao động vào năm 2027. Tính đến tháng 7/2022, số lượng lao động ngành đóng tàu đã giảm một nửa so với năm 2014. Trong vòng 5 năm tới, ngành vận tải biển và đóng tàu Hàn Quốc cần thêm 43.000 lao động gia nhập trong bối cảnh đơn hàng đóng tàu cao kỷ lục.

Lao động Việt Nam là một trong những nguồn nhập khẩu lao động đóng tàu được Hàn Quốc nhắm tới. Trước tình trạng đơn hàng gia tăng, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu trong nước rầm rộ tuyển dụng lao động đóng tàu sang Hàn Quốc làm việc.

Mặc dù vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức của Hàn Quốc để tuyển chọn và kiểm tra tay nghề người lao động (theo thị thực E - 7) không theo đúng quy định pháp luật, không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Chính vì vậy, căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách tiếp nhận lao động ngành đóng tàu (thị thực E-7) của Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa đưa ra các thông tin hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất, bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong ngành đóng tàu thị thực E-7 Hàn Quốc gồm: Người sử dụng lao động (doanh nghiệp trong ngành đóng tàu Hàn Quốc) hoặc (ii) Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng giới thiệu việc làm theo quy định của Hàn Quốc (doanh nghiệp trung gian Hàn Quốc).

Theo quy định của Hàn Quốc, mỗi doanh nghiệp trong ngành đóng tàu được tuyển dụng số lao động nước ngoài thị thực E-7 tối đa bằng 20% tổng số lao động người Hàn Quốc đang làm việc tại doanh nghiệp.

Thứ hai, về một số nội dung của hợp đồng cung ứng lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có hướng dẫn cụ thể như sau. Thời gian làm việc: 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Thời gian làm thêm giờ: không quá 12 giờ/tuần (52 giờ/tháng).  Tiền lương của người lao động: không thấp hơn quy định của Hàn Quốc đối với lao động ngành đóng tàu năm 2022 là 2.683.000 KRW/tháng và sẽ được điều chỉnh hàng năm. Tiền làm thêm giờ: theo quy định của pháp luật Hàn Quốc.

Về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt: người sử dụng lao động cung cấp chỗ ở và ăn cho người lao động trên cơ sở thỏa thuận, bao gồm cả chỗ ở tạm thời sau khi nhập cảnh.

Trường hợp người lao động phải chi trả toàn bộ tiền ở và ăn thì mức chi trả không quá 20% tiền lương tháng của người lao động; trường hợp người lao động được cung cấp miễn phí bữa ăn thì mức chi trả tiền nhà không quá 15% tiền lương tháng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 1 lượt vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam đến Hàn Quốc hoặc trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng. Người sử dụng lao động chi trả chi phí đưa người lao động từ sân bay về nơi ở hoặc nơi đào tạo sau khi nhập cảnh và chi phí giáo dục định hướng người lao động trước khi làm việc.

Thứ ba, về các chi phí khác liên quan đến thủ tục tại Việt Nam và Hàn Quốc, Cục cũng hướng dẫn thêm về các loại phí mà các bên phải chi trả.

Cụ thể, chi phí đào tạo, kiểm tra, xác nhận trình độ kỹ năng nghề, làm hồ sơ, thủ tục (khám sức khỏe, xác nhận giấy tờ xin thị thực,...) tại Việt Nam mà người lao động chi trả thì thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chi phí trả cho tổ chức dịch vụ việc làm Hàn Quốc (doanh nghiệp trung gian) được ủy quyền tuyển dụng lao động do người sử dụng lao động chi trả.

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc; cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động.

Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp  trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn; thực hiện đúng các nội dung đăng ký hợp đồng đã được chấp thuận.

Trong vòng 5 ngày kể từ khi kết thúc thời gian đăng ký chuẩn bị nguồn (nếu có), thời gian đăng ký tuyển chọn hoặc khi tuyển hết số lao động được chấp thuận, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước kết quả chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động kèm theo danh sách người lao động.

Xuất khẩu lao động tháng 9 cao gấp hơn 10 lần cùng kỳ
Thị trường xuất khẩu lao động bắt đầu hồi phục. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư