Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
D.Ngân - 07/12/2023 14:00
 
Lãnh đạo Bộ Y tế đã thông tin về nhiều biện pháp ngành này đã triển khai thời gian qua để tạo thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
TIN LIÊN QUAN

Nói về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau 15 năm ban hành Luật Bảo hiểm y tế, chúng ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đã đạt gần 91 triệu người, với khoảng 92% dân số; số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng gia tăng với 150,5 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022 và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng ngày càng được mở rộng;

Lãnh đạo Bộ Y tế một lần nữa khẳng định việc chuyển tuyến bệnh nhân là cần thiết.

Mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.

Để đạt được kết quả như vậy, theo lãnh đạo Bộ Y tế, một trong những yếu tố quan trọng là việc tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh.

Quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám chữa bệnh và công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như quy định đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu còn nặng về hành chính.

Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc.

Từ ngày 1/1/2016 việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ 1/1/2021 việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú cũng tạo ra một số vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.

Để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho tuyến dưới.

Áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng. Lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân và mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính;

Cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn một năm cho một số bệnh mãn tính; cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến.

Tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng bệnh viện như củng cố, xây dựng hệ thống, tổ chức quản lý chất lượng bệnh viện, đào tạo, kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện.

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian của người bệnh.

Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị đổi mới công tác đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế nêu quan điểm, không thể bỏ quy định về chuyển tuyến.

Bởi nếu bỏ quy định này sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo. Vì vậy, không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Ngoài ra, việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.

Theo bà Trang, căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp.

Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp.

Khẳng định không bỏ giấy chuyến tuyến, nhưng theo chuyên gia Vụ Bảo hiểm y tế đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh chuyển tuyến, các đơn vị đang nghiên cứu sẽ số hóa giấy chuyến tuyến và giấy hẹn tái khám trên hai ứng dụng VNeID và VssID.

Cụ thể, thay vì sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám như hiện nay, người bệnh chỉ cần điện thoại, mã bảo hiểm y tế, mã giấy chuyển tuyến được đồng bộ trên VNeID và VssID. 

Lúc này, khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên, bệnh nhân chỉ cần xuất trình chuyển tuyến điện tử để làm thủ tục. Các bệnh viện thực hiện ký số thay cho ký giấy thông thường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư