Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều gói thầu bảo trì đường thủy nội địa phía Nam: Lặp lại sai sót với mức độ lớn hơn
Anh Minh - 14/03/2019 08:48
 
Công tác bảo trì tại 4 tuyến đường sông huyết mạch phía Nam đang tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhưng lại thực hiện tùy tiện, thậm chí bất chấp các quy định của pháp luật về đấu thầu.
.
Công tác bảo trì tại 4 tuyến đường sông huyết mạch phía Nam đang tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Phớt quy định đấu thầu

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa ký Kết luận số 132/KL - CĐTNĐ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia trên tuyến sông Tiền, sông Cổ Chiên, rạch Cần Thơ và kênh Xà No do Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam làm chủ đầu tư.

Đây là một trong những lần hiếm hoi, việc thanh tra, giám sát hoạt động bảo trì các tuyến đường thủy được cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa trực tiếp tiến hành trong vòng 3 tháng (10/2018 - 1/2019). Kết quả thanh tra cho thấy, có khá nhiều tồn tại trong quá trình triển khai quản lý, bảo trì 4 tuyến đường thủy có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất nước này, trong đó, khâu bị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bắt lỗi nhiều nhất chính là công tác lựa chọn các nhà thầu cho các gói thầu: QLBTTX - 06 (sông Tiền); QLBTTX - 07 (rạch Cần Thơ và kênh Xà No); QLBTTX - 08 (sông Cổ Chiên).

Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát hiện công tác quản lý, bảo trì của cả 3 gói thầu trong 2 tháng đầu năm 2018 đều được thực hiện qua hình thức đặt hàng. Tuy nhiên, việc đặt hàng của cả 3 gói thầu đều không có hồ sơ giá sản phẩm, dịch vụ của nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích do đơn vị được đặt hàng lập, Chi cục thẩm định và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt để làm cơ sở xác định giá, đơn giá hợp đồng theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TT - BGTVT ngày 8/7/2014 của Bộ Giao thông - Vận tải.

Điều đáng nói là, trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác quản lý bảo trì cho 3 gói thầu bảo trì 10 tháng cuối năm 2018, sai sót thậm chí còn bị lặp lại với mức độ, tần suất lớn hơn nhiều.

Vi phạm đầu tiên trong giai đoạn này là tư vấn đấu thầu các gói thầu QLBTTX - 06, 07 và 08 đều được lựa chọn qua hình thức chỉ định thầu rút gọn. Qua thanh tra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát hiện chủ đầu tư đã không hề gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu theo quy định.

“Việc chủ đầu tư không có dự thảo hợp đồng gửi nhà thầu mà đã tiến hành thương thảo hợp đồng là không phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 56, Nghị định số 63/2014/NĐ - CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thấu về lựa chọn nhà thầu”, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xác định.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu bảo trì 3 gói thầu nói trên, Chi cục Đường thủy phía Nam đã không thực hiện đăng tải kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt cũng như đăng tải kết quả đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Nghiệp dư

Sự thiếu chuyên nghiệp, non kinh nghiệm của chủ đầu tư 3 gói thầu QLBTTX - 06, 07, 08 thể hiện rõ nhất trong khâu lập hồ sơ mời thầu.

Theo đó, hồ sơ mời thầu 3 gói thầu được Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam lập theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT - BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn. Song theo quan điểm của đoàn Thanh  tra, đây là mẫu hồ sơ mời thầu áp dụng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng; phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ.

Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy số 15 có hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 9, Nghị định số 132/2015/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, do không duy trì báo hiệu trên đường thủy nội địa theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đường thủy nội địa phê duyệt.

Cục Đường thủy nội địa cũng xử phạt Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy số 12 lỗi vi phạm sử dụng máy trưởng không có bằng chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện theo quy định; sử dụng thuyền viên không có tên trong danh bạ thuyền viên.

Do vậy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, việc chủ đầu tư sử dụng mẫu hồ sơ mời thầu này là không phù hợp, do 3 gói thầu đều là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu lớn hơn 10 tỷ đồng (giá gói thầu QLBTTX - 06 là 28,626 tỷ đồng, gói thầu QLBTTX - 07 là 37,89 tỷ đồng và gói thầu QLBTTX - 08 là 36,1 tỷ đồng); phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Trường hợp các gói thầu này, tại khoản 4, Điều 3, Thông tư số 14 quy định: “Đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu lớn hơn 10 tỷ đồng hoặc gói thầu có giá nhỏ hơn 10 tỷ đồng nhưng áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ thì chỉnh sửa mẫu hồ sơ mời thầu này để áp dụng cho phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu”.

Trên thực tế, do hồ sơ mời thầu 3 gói thầu chỉ được chủ đầu tư chỉnh sửa một số biểu mẫu dự thầu, thành phần hồ sơ dự thầu, quy định mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, nên hồ sơ mời thầu còn thiếu rất nhiều thông tin chỉ dẫn quan trọng trong bảng dữ liệu như: khảo sát hiện trường và hội nghị tiền đấu thầu; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; tiêu chuẩn đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm...

Theo Kết luận số 132, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai sót trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu bảo trì; không đăng tải kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra thực địa việc thực hiện 3 gói thầu quản lý bảo trì thường xuyên, đoàn Thanh tra đã phát hiện một số sai sót và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Minh bạch hóa công tác bảo trì đường thủy
Dự kiến trong quý II, các tuyến đường thủy nội địa quốc gia sẽ tổ chức đấu thầu bảo trì. Đây là một trong những giải pháp nhằm hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư