Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều gói thầu chưa thể tiếp cận vốn, cao tốc Bến Lức - Long Thành nguy cơ vỡ tiến độ
Anh Minh - 23/03/2017 14:39
 
Việc có đến 3/11 gói thầu xây lắp chưa thể tiếp cận được nguồn vốn được nhà tài trợ cam kết đã khiến công trình trọng điểm quốc gia – cao tốc Bến Lức – Long Thành khó có thể đưa vào khai thác toàn tuyến trong năm 2019.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư và sự quyết tâm của nhà thầu, ngày 22/12/2016 cầu Sông Chà thuộc gói thầu J2, cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được hợp long, rút ngắn thời gian thi công 4 tháng
Với sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư và sự quyết tâm của nhà thầu, ngày 22/12/2016 cầu Sông Chà thuộc gói thầu J2, cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được hợp long, rút ngắn thời gian thi công 4 tháng

Vướng mắc nằm ở chỗ là đang có sự lệch pha trong các đánh giá khả năng trả nợ cho Dự án giữa Bộ Giao thông vận tải, Chủ đầu tư – Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – đơn vị được giao thẩm định.

Cụ thể, sau gần 4 tháng thẩm định (kể từ thời điểm Bộ GTVT có Quyết định 3789/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư), VDB có báo cáo gửi Bộ Tài chính về đánh giá phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (khoản vay lần 2) vay vốn ADB theo phương án hòa chung 5 dòng tiền các dự án. Theo đó, với 3 phương án tính toán hiệu quả và khả năng trả nợ của Dự án do VDB xây dựng thì Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn chưa cân đối nguồn trả nợ.

Trong khi đó, theo đánh giá của VEC và Bộ GTVT thì phương án tài chính của Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sau khi hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư thì Dự án hoàn toàn khả thi về tài chính và có khả năng trả nợ.

“Đây là lý do, đến thời điểm hiện nay Bộ Tài chính vẫn chưa tiến hành ký kết hiệp định vay phụ lần 2 Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với VEC”, ông Nguyễn Thế Cường Phó Tổng giám đốc VEC cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án “Đường cao tốc Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) Bến Lức – Long Thành” là một trong 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư được triển khai thi công từ tháng 7/2014. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho toàn Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2013.

Trong quá trình triển khai dự án, để tiết kiệm chi phí tài chính (phí cam kết cho khoản vay chưa được giải ngân) nên Dự án được phía Việt Nam đề nghị và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thống nhất cam kết tài trợ theo thể thức phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Hiệp định vay cho giai đoạn 1 của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành trị giá 350 triệu USD ký ngày 5/5/2011.

“Khoản vay 1 được đầu tư để thực hiện xây dựng đoạn phía Tây gồm các Gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4. Các gói thầu xây lắp trên đoạn này đang được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018”, lãnh đạo VEC cho biết.

Thông tin từ VEC cho biết, công tác đấu thầu 3 gói thầu xây lắp A5, A6, A7 đã cơ bản hoàn thành, ADB đã chấp thuận kết quả đấu thầu và VEC đang tiến hành các thủ tục để sẵn sàng cho việc ký hợp đồng chính thức với các Nhà thầu xây dựng.

Trong khi đó, vào đầu tuần trước, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Mình vừa thay mặt Chính phủ ký tờ trình đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định vay cho Dự án “Đường cao tốc Tiểu vùng Mekong mở rộng Bến Lức - Long Thành (Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành), khoản vay 2”, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trước đó, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, vào ngày 9/1/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã ký với đại diện ADB Hiệp định vay cho Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, khoản vay 2 - công trình trọng điểm quốc gia hiện do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư.

Cụ thể, ADB cam kết cung cấp một khoản vay trị giá 286 triệu USD cho Dự án từ nguồn vốn vay thông thường (OCR) với thời gian trả nợ là 30 năm, trong đó có 7 năm ân hạn. Đây là phần vốn đã được cả Chủ đầu tư và nhà tài trợ lên kế hoạch để giải ngân cho 3 gói thầu xây lắp cuối cùng của Dự án là gói thầu A5, A6, A7.

Hiện áp lực đối với Dự án là rất lớn bởi, tính đến thời điểm hiện tại đã có 8/11 gói thầu xây lắp đã triển khai, gồm các gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4 (phần vốn ADB phân đoạn phía Tây) và các gói thầu: J1, J2 và J3 (vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cho  phân đoạn ở giữa).

VEC cho biết, tiến độ tổng thể của toàn dự án đạt 46%, trong đó tiến độ các Gói thầu J1, J2, J3 và A2-1, A4 đều đảm bảo và vượt kế hoạch. Cụ thể, các gói thầu đoạn tuyến phía Tây do ADB tài trợ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, các gói thầu thuộc đoạn tuyến do JICA tài trợ dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.

Điều đáng lo ngại là, theo dự kiến với tiến độ thi công 36 tháng thì 3 gói thầu A5, A6, A7 phải khởi công ngay thì mới có thể hoàn thành vào cuối năm 2019 (cùng thời điểm với các gói thầu xây lắp thuộc phần vốn JICA).

Nói một cách khác, tiến độ thi công của các gói thầu phía Đông A5, A6, A7 của khoản vay lần 2 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian hoàn thành tổng thể của cả Dự án khi đưa vào khai thác.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, nếu các gói thầu A5, A6, A7 vì lý do nào đó chậm hoặc không được triển khai tiếp sẽ là một sự lãng phí to lớn và làm giảm hiệu quả đầu tư toàn Dự án. Đây là sự lãng phí lớn khi mà tổng kinh phí đầu tư cho 3 gói thầu phía Đông nguồn vốn ADB chỉ bằng 1/5 tổng mức đầu tư toàn Dự án.

Động thổ xây dựng cầu Phước Khánh thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành
Ngày 18/7, tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui - Tổng công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư