Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Nhiều ứng dụng công nghệ muốn tham gia giải quyết vấn đề “đi chợ hộ” đang ùn tắc
Thị Hồng - 29/08/2021 22:01
 
Trước tình trạng quá tải đơn hàng “đi chợ hộ”, hàng loạt công ty công nghệ từng vận hành dịch vụ tương tự đã kiến nghị TP.HCM cho phép tham gia cùng giải quyết thực trạng này.

Từ ngày 23/8, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TP.HCM được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. 

Tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân.

Tuy nhiên những gì đã diễn ra trong thực tế nằm ngoài dự tính.

Theo số liệu của Sở Công Thương TP.HCM, trong hai ngày đầu tiên (23-24/8) Thành phố thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội, người dân không được ra khỏi nhà để đi chợ, do đó cửa hàng tiện lợi và đa số các chợ đã đóng cửa; còn một số ít chợ đang hoạt động chủ yếu phục vụ nhu cầu đi chợ thay.

Các siêu thị cũng tạm dừng các hoạt động bán lẻ trực tiếp và chỉ còn tổ chức bán hàng theo cách thức duy nhất là soạn đơn theo yêu cầu, các gói combo dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân và giao qua tổ đặc biệt của địa phương để cung ứng hàng hóa cho người dân.

Mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức “đi chợ hộ” cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu, giá dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng.

Trong 02 ngày (23 và 24/8), trên địa bàn 21 quận huyện và TP.Thủ Đức chỉ có 138.638 hộ dân đăng ký “đi chợ hộ” trong tổng số hơn 2.1 hộ dân toàn Thành phố (chiếm 6,35%).

Theo mục tiêu của các địa phương, phương thức “đi chợ hộ” sẽ tiếp tục triển khai cho khoảng 1.7 triệu hộ dân và tổ chức cấp phát cho 1 triệu hộ dân khó khăn đến hết ngày 6/9/2021.

.
Lực lượng đi chợ hộ cho người dân tại TP.HCM (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Trước những tình trạng trên, trong văn bản do Công ty cổ phần Be Group vừa gửi đến Sở Công thương TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be cho rằng, việc cung ứng thực phẩm cho các người dân hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế.

Hiện, doanh nghiệp này vận hành một đội ngũ với hơn 3.000 tài xế beBike (xe 2 bánh) đã được tiêm vắc-xin mũi 1 đảm bảo đủ sức khỏe và điều kiện hỗ trợ cho người dân. 

Ngoài ra, tính năng Đi chợ hộ đã được triển khai trên ứng dụng Be hơn 1 năm nay, mang lại sự quen thuộc, dễ thao tác cho người dân trên địa bàn TP.HCM nói riêng và các địa phương có ứng dụng Be nói chung.

“Do đó, với tư cách là doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch cho người dân, đã quen thuộc với vận hành và có đội ngũ tài xế, ứng dụng công nghệ sẵn có, chúng tôi mong muốn được đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố”,  đại diện Be Group nêu và đề xuất cho phép đơn vị này triển khai thực hiện việc “đi chợ hộ” cho người dân trên địa bàn thông qua ứng dụng Be. 

.
Bộ đội lựa chọn rau củ theo đơn đăt hàng của người dân TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

Theo đó, người dân sẽ tải ứng dụng công nghệ về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng. 

Sau đó, vào danh mục Đi chợ trên ứng dụng, nhập địa chỉ cư trú là địa chỉ cần giao hàng, lựa chọn tên Đơn vị cung ứng, các mặt hàng và số lượng cần mua. 

Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa theo danh sách đơn vị cung ứng hàng hóa mà UBND quy định trước và đã có ký kết hợp đồng với ứng dụng công nghệ để đảm bảo bình ổn giá cho người dân. 

Bước cuối cùng, kiểm tra lại các thông tin (địa chỉ, chi tiết đặt hàng hóa), lựa chọn phương thức thanh toán và nhấn nút "Đặt hàng". 

Tại bước này, người dùng chỉ được lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý. 

Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, tài khoản ngân hàng số, ví điện tử, có thể lựa chọn nhanh chóng tạo một tài khoản ngân hàng số Cake by VPBank hoặc bất kỳ tài khoản, ví điện tử nào tích hợp có sẵn trên ứng dụng công nghệ trong vòng vài phút để thực hiện thanh toán. 

Đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng.

Đối với trường hợp chưa đăng ký trên ứng dụng, gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn theo combo với mức giá niêm yết bình ổn, có thể cập nhật theo từng thời điểm nhưng cần thông báo đến cho khách hàng trước tối thiểu 24h.  

.
Chi tiết các món hàng trong combo thực phẩm cung cấp đến người dân ở TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

Hàng hoá sẽ được sắp xếp theo dạng theo gói combo (ví dụ combo thực phẩm bao gồm rau củ, thịt/cá, gạo/mì, nguyên liệu cần thiết để nấu ăn hàng ngày; combo thiết yếu bao gồm xà bông, chất tẩy rửa, đồ vệ sinh cá nhân). 

Khi người dùng đặt hàng trên ứng dụng, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ chuẩn bị hàng hóa theo chủng loại, số lượng được đặt và giao ngay tới tài xế để giao tới tận tay người dân. 

Trong trường hợp người dùng đang ở trong khu vực cách ly/ phong tỏa, tài xế Be sẽ giao hàng cho lực lượng bộ đội, bảo vệ, tình nguyện viên tại bàn giao nhận bên ngoài khu cách ly/ phong tỏa. 

Người dùng cũng có thể chủ động ghi thông tin người nhận hàng hộ trong mục ghi chú trước khi đặt đơn hàng hoặc tin nhắn thông tin xác nhận với tài xế tại mục “chat” của ứng dụng. 

Đại diện Be khẳng định, mô hình nêu trên đảm bảo được các yếu tố như ghi nhận nhanh chóng yêu cầu của người dân; thanh toán trực tuyến không tiền mặt 100% đảm bảo không tiếp xúc; tài xế chỉ di chuyển trong nội quận; mọi rủi ro về vận hành đều có giải pháp giải quyết; mọi thắc mắc của người dân đều được ghi nhận và hỗ trợ qua tổng đài; tận dụng được lực lượng tài xế đông đảo, chuyên nghiệp giúp Chương trình triển khai liền mạch, tránh các rủi ro về nhân lực, truyền thông.

Hiện, Thành phố Thủ Đức hiện là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM thay đổi phương thức đi chợ hộ.

Cụ thể, Thành phố Thủ Đức vừa thông tin sẽ phối hợp cùng Grab để đi chợ và mua hàng hoá thiết yếu cho người dân. Theo đó, mgười mua cần cài đặt ứng dụng Grab, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú.

Đại diện UBND phường sẽ giao hàng đến tận nhà người dân.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tiki cũng vừa có văn bản gửi Sở Công thương Thành phố về việc xem xét và cho phép nhân viên Công ty TNHH Tikinow Smart Logistics – là đơn vị vận chuyển hàng hóa của Ti Ki được phép hoạt động vận chuyển sách giáo khoa và văn phòng phẩm cho người dân.

Công ty này cam kết sẽ miễn phí vận chuyển trong địa bàn TP.HCM và bán hàng bình ổn giá để chung sức cùng người dân vượt qua đại dịch.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và KIDO tặng kít xét nghiệm cho TP.HCM
Sáng 27/8, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch Tập đoàn KIDO đã trao trao tặng kít xét...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư