Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 24 tháng 08 năm 2024,
NHNN: Không phải 31% mà có tới 59% người dân đã có tài khoản ngân hàng
Thùy Liên - 06/12/2017 19:16
 
Con số 31% người dân có tài khoản ngân hàng hay được nói đến là kết quả khảo sát từ năm 2014.

Phát biểu tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2017 diễn ra hôm nay (6/12), ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, hiện nay,  tính đến hết tháng 3/2017, hệ thống ngân hàng đã có trên 127 triệu thẻ, trong đó có 66 triệu tài khoản thanh toán.

Con số thống kê của WB trước đây cho thấy, mới chỉ 31% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, ông Sơn cho hay, khảo sát này được tiến hành từ năm 2014 và đã có nhiều thay đổi vì con số này đang tăng nhanh. Khảo sát của NHNN cho thấy, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã lên tới gần 59%. 

Tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản ngân hàng tăng nhanh, dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng internet 52%... đang là những yếu tố thuận lợi để các ngân hàng,fintech phát triển các dịch vụ ngân hàng số.

Hiện trên thị trường có khoảng 40 fintech.  Hiện NHNN đang  phối hợp với WB xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trong đó có đưa ra nhiều giải pháp tăng cường phổ cập tài chính ở vùng sâu, vùng xa.  Ngoài ra, thời gian tới, NHNN cũng mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mà không có tài khoản ngân hàng.  Cơ chế hợp tác ngân hàng – fintech cũng đang được NHNN xây dựng. Ngoài ra, NHNN cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thiện khung khổ phát triển cho fintech.  

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để ngân hàng và fintech phát triển các dịch vụ liên quan đến ngân hàng số.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0 đặc biệt là tài chính số, ngân hàng số đang tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều thách thức cho các ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, các ngân hàng sẽ có cơ hội tiết giảm chi phí, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, có nhiều cơ hội kinh doanh mới, mở rộng thêm khách hàng…

Tuy vậy, cũng có nhiều thách thức đang đặt ra. Đầu tiên là sự thay đổi mô hình kinh doanh, văn hoá kinh doanh. Thứ hai là câu chuyện đầu tư công nghệ thông tin như thế nào, bài toán chi phí sẽ ra sao. Thứ ba, sự thiếu hụt nhân lực số.

Theo chuyên gia này, các nước trong khu vực đã chuẩn bị khá tốt với công nghiệp 4.0 trong khi ở Việt Nam nói chung và các ngân hàng Việt nói riêng, mức độ sẵn sàng chưa cao.

“Có 4 giải pháp cần làm ngay để ngân hàng thích ứng với công nghiệp 4.0. Thứ nhất chính là gia tăng biện pháp phòng hộ để tăng năng lực kiểm soát rủi ro đối với công nghệ thông tin đặc biệt là an ninh mạng. Thứ hai cần phải tăng sự hiểu biết của khách hàng, người dân và doanh nghiệp với các sản phẩm ngân hàng số. Thứ ba, sớm tạo hành lang pháp lý để hướng dẫn định chế tài chính kiểm soát rủi ro tốt hơn. Singapore đã làm  rất tốt. Cuối cùng là chúng ta cần phải tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để hạn chế bớt lỗi kỹ thuật trong quá trình tác nghiệp”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Ông lớn Alipay, Samsung Pay nhập cuộc, thị trường Fintech Việt có dậy sóng?
Alipay, Samsung Pay, tới đây sẽ là Facebook, Apple, Google... tham gia cuộc chơi trên thị trường tài chính Việt Nam. Thế nhưng, kỷ nguyên thanh toán phi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư