Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhớ nguyên Thống đốc Lữ Minh Châu - người chỉ huy "đường dây buôn tiền" có một không hai
PV - 01/03/2016 20:47
 
Ông Lữ Minh Châu, nguyên Tổng giám đốc (Thống đốc) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ KH&ĐT) từ trần.
TIN LIÊN QUAN
Ông Lữ Minh Châu, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam
Ông Lữ Minh Châu, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau; Quận ủy, UBND, MTTQ quận Bình Thạnh; Đảng ủy, UBND, MTTQ phường 25, quận Bình Thạnh và gia đình thương tiếc báo tin:

Đồng chí Lữ Minh Châu (Lữ Triều Phú), sinh ngày 29-9-1929 tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau; trú quán: số 758/35 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh; nguyên: Phó Trưởng ban Tài chính Đặc biệt thuộc T.Ư Cục miền Nam; Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI; Đại biểu Quốc hội khóa VIII; Tổng Giám đốc (Thống đốc) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thành ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Giám đốc Ngân hàng TP Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư kiêm Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh; Chủ tịch HĐQT Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long; Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam đã từ trần lúc 23 giờ 26 phút ngày 27-2-2016 tại nhà riêng.

Lễ truy điệu được tổ chức lúc 5 giờ 30 phút ngày 2-3; an táng tại nghĩa trang Thành phố (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Đồng chí Lữ Minh Châu từng được báo chí mệnh danh là “một trong những người chỉ huy "đường dây buôn tiền" có một không hai trong lịch sử nhân loại: Chuyển hàng trăm triệu USD tiền viện trợ thành tiền Sài Gòn ngay giữa thành phố Sài Gòn để phục vụ cho các chiến trường đánh Mỹ".

Thời điểm đó, ông là Phó ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục, trong vỏ bọc là cán bộ một ngân hàng chính quyền Sài Gòn, Chính Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã giao nhiệm vụ cho bác bí mật nắm chắc hệ thống ngân hàng ngụy quyền Sài Gòn – Gia Định, đặc biệt là Ngân hàng Quốc gia, bộ máy phát hành tiền, kho tiền và kim khí quý… để đón quân giải phóng vào chốt giữ, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng hoạt động lại ngay sau đó.

Nhờ chuẩn bị kỹ nên toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng được tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Theo thống kê, thời điểm đó có 615 tỷ đồng tiền mặt lưu thông, 440 tỉ còn lại nằm trong tài khoản tiền gửi, trong kho dự trữ còn có 125 tỉ tiền in theo kiểu mới chưa phát hành và 16 tấn vàng của chế độ cũ. 

Sau khi tiếp quản, tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương được bàn giao toàn bộ cho Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời, do ông Trần Dương làm Thống đốc. Ông Lữ Minh Châu được chính thức bổ nhiệm trưởng ban tiếp quản hệ thống ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn – Gia Định và Trưởng ban thành lập ngân hàng thành phố Sài Gòn (Sau này là ngân hàng Công thương thành phố).

Dưới sự chỉ huy của Lữ Minh Châu, việc kêu gọi nhân viên ngân hàng chế độ cũ quay lại làm việc cũng như việc kiểm kê đối chiếu sổ sách được tiến hành nhanh chóng. Nhờ đó mà đến ngày 9/5/1975, các ngân hàng đã hoạt động trở lại. Cùng với đó, ông đã tham gia thành lập ngân hàng mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời để thực hiện quyền phát hành, quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng miền Nam vừa giải phóng, tiến tới ngân hàng thống nhất đất nước.

Ngày 6/6/1975, năm tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ Lâm thời cách mạng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định 04/ PCT – 75 về thành lập Ngân Hàng quốc gia. Việc giữ nguyên tên gọi cũ đã giữ được "chân đứng" cho chúng ta tại các tổ chức tài chính quốc tế, vì "Ngân hàng quốc gia Việt Nam" của chính quyền Sài Gòn là thành viên sáng lập Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như của Ngân hàng thế giới (WB), giúp ta kế thừa được quan hệ tín dụng quốc tế của ngân hàng cũ. Lúc này tiền gửi của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài vẫn còn hơn 100 triệu USD. Lịch sử đã chứng minh tính linh hoạt và đúng đắn của sự kiện này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư