Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhóm doanh nghiệp thuỷ sản có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại
Duy Bắc - 14/07/2022 07:48
 
Kết quả kinh doanh nhóm thủy sản bắt đầu được công bố với kết quả tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, nhưng giá cổ phiếu lại đang lao dốc.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng chậm dần

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù tăng trưởng đang chững lại, nhưng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6/2022 vẫn mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỷ USD, tương đương so với tháng 5/2022 và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Quý II/2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước đã ghi nhận doanh số trên 3,2 tỷ USD, cao hơn gần 36% so với 2,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2021. Với kết quả trên, hết nửa đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng 6 tháng là 40%, cao hơn tốc độ tăng trưởng quý II là 36%, đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của hoạt động xuất khẩu thủy sản trong những tháng gần đây.

Tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC – sàn HoSE), tốc độ tăng trưởng doanh thu từng tháng có dấu hiệu tăng trưởng chậm trở lại ở hai tháng gần đây.

Doanh thu tháng 2 tăng 137% so với cùng kỳ lên 1.075 tỷ đồng (doanh thu tháng 3/2022 không công bố); doanh thu tháng 4 tăng 98% so với cùng kỳ lên 1.651 tỷ đồng; doanh thu tháng 5 tăng 96% so với cùng kỳ lên 1.509 tỷ đồng; doanh thu tháng 6 tăng 43% so với cùng kỳ lên 1.063 tỷ đồng. 

Tiêu thụ tại Mỹ của Vĩnh Hoàn bắt đầu giảm trong 2 tháng gần đây (Nguồn: VHC).
Tiêu thụ tại Mỹ của Vĩnh Hoàn bắt đầu giảm trong 2 tháng gần đây (Nguồn: VHC).

Trong đó, đáng chú ý thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của Vĩnh Hoàn là Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng mạnh từ tháng 1 đến tháng 4, bắt đầu giảm trong 2 tháng gần đây.

Cụ thể, doanh thu tại Mỹ tháng 5 giảm 17% so với tháng trước, về 812 tỷ đồng; doanh thu tại Mỹ tháng 6 giảm 59% so với tháng trước, về 330 tỷ đồng.

Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 20/4, nhiều cổ đông cũng lo ngại chu kỳ cá tra lặp lại giai đoạn năm 2019 do vòng đời cá tra tương đối ngắn, từ 6-8 tháng, người nông dân sẽ nhanh chóng thả nuôi nếu nhận thấy giá cá tra tăng cao và tạo lợi nhuận lớn, điều này có thể dư cung khi người nông dân thả nuôi ồ ạt.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT cho biết. Công ty cũng như các nhà nhập khẩu nước ngoài lo ngại hơn về khả năng "sập giá"như năm 2019. Thời điểm đó, giá cá nguyên liệu giảm mạnh, chất lượng con giống giảm sút, Việt Nam mất thế độc quyền trên thị trường thế giới.

Trong đại dịch vừa rồi, phía Vĩnh Hoàn cũng đã nâng giá nguyên liệu lên và cố gắng giữ nó để không bị sập như hồi 2019. Công ty đã thương thảo với nhà nhập khẩu là nếu không mua bây giờ thì các nhà máy chế biến cũng sẽ tích trữ bỏ kho. Hiện thế giới không dự trữ nhiều cá do dịch bệnh Covid-19. Điều này dễ dàng đẩy giá cá tra tăng cao nữa khi nhu cầu đã và đang hồi phục trở lại.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2022.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2022.

Bà nhận định năm ngoái và năm nay sẽ rất "vi diệu". "Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiếu cá hơn và điều này làm toàn ngành đều có lời", bà Khanh tự tin cho biết.

Mặc dù các doanh nghiệp thủy sản có 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi và có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại ở những tháng trở lại đây do nhu cầu suy giảm. Đặc biệt, thị trường lớn là Mỹ và châu Âu đang trong cơn bão lạm phát làm cho sức mua suy yếu. Thêm nữa, việc đồng USD tiếp tục mạnh lên so với các rổ tiền tệ còn lại, điều này cũng làm cho các Công ty xuất khẩu thu được ít USD hơn.

Cổ phiếu hình thành mô hình phân phối đỉnh

Quan sát 4 cổ phiếu nhóm thủy sản đang niêm yết chính gồm Vĩnh Hoàn (mã VHC), Nam Việt (mã ANV), Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) và Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI (mã IDI) đều cho thấy những tình thế ngược chiều với một năm bội thu của hoạt động kinh doanh.

Nhóm cổ phiếu thủy sản có dấu hiệu thoái trào từ tháng 4-5/2022 (Nguồn: Investing).
Nhóm cổ phiếu thủy sản có dấu hiệu thoái trào từ tháng 4-5/2022 (Nguồn: Investing).

Các cổ phiếu đều có dấu hiệu tạo đỉnh tháng 4 và tháng 5/2022, sau đó bắt đầu có dấu hiệu bị bán mạnh và hình thành mô hình hai đỉnh, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.

Trong đó, điểm đáng lưu ý xét về thanh khoản, khi cổ phiếu giao dịch vùng đỉnh tháng 4 và tháng 5/2022, các cổ phiếu nêu trên đều có thanh khoản cao kỷ lục nhiều năm và hiện tại mặc dù giảm xuống một nền giá mới nhưng thanh khoản duy trì thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn tháng  4 tháng tháng 5/2022.

Được biết, theo lý thuyết, cổ phiếu có dấu hiệu phân phối đỉnh khi giá không tăng, nhưng thanh khoản có dấu hiệu tăng kỷ lục, cổ phiếu duy trì giao dịch giằng co với thanh khoản cao trong một thời gian dài, giá cổ phiếu có xu hướng biến động mạnh trong các phiên để tăng sức hút nhà đầu tư cá nhân, nhưng cuối phiên lại đóng cửa giá thấp. Đây là giai đoạn thích hợp cho nhà đầu tư lớn có thể ra hàng với khối lượng lớn mà nhà đầu tư cá nhân không để ý sẽ khó nhận ra.

Vĩnh Hoàn lên kế hoạch lãi lớn, dự chi hơn 1.500 tỷ đồng làm ngân sách đầu tư
Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đặt kế hoạch năm nay với doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng và lãi ròng 1.600 tỷ đồng; tương ứng tăng 43,5% và 45,5% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư