Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhóm nguyên liệu phục vụ ngành nông nghiệp tăng mạnh nhất, trên 10%
Thế Hải - 30/06/2022 10:57
 
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nửa đầu năm 2022 tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm nguyên liệu phục vụ ngành nông nghiệp tăng trên 10%.
chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng 2022 tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Chịu tác động trực tiếp từ sự tăng giá của nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới gia tăng, 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nói chung đã tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Trong đó, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý II/2022 tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp có chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng cao nhất, với 10,01%; trong khi dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; dùng cho xây dựng tăng 9,32%.

Đi liền với tăng chỉ số giá nguyên - nhiên vật liệu đầu vào là chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý 2/2022 đã tăng 3,31% so với quý trước và tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 2,62% và tăng 11,43%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 0,67% và giảm 2,57%. 

Như vậy, 6 tháng đầu năm, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 8,03% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 11,21%; tỷ giá thương mại hàng hóa giảm 2,85%.

Bất chấp đà tăng của giá đầu vào, hoạt động sản xuất trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, từ đó đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa  đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%.

Cả nước hiện có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). 

Giá cả nguyên liệu đầu vào cũng như xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp đều tăng cao. Đối với hoạt động xuất khẩu cũng vậy, do chi phí sản xuất bị đội lên nhiều đã kéo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp dệt may, giày dép, 6 tháng đầu năm 2022, giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, giá bông cũng tăng 19%, cùng với chi phí logistics neo ở mức cao, tác động đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB (đơn hàng sản xuất theo hình thức mua nguyên liệu – bán thành phẩm).

Cùng với giá xăng dầu lên cao kỷ lục khiến các doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn để mua nguyên vật liệu cũng như chi trả chi phí sản xuất, nhân công... Giá xăng dầu cao kỷ lục và các chi phí khác đè nặng, nhưng kể cả tăng giá sản phẩm cũng khó theo kịp đà tăng của chi phí đầu vào, đó là trường hợp của ngành xi măng.

Từ đầu năm đến nay, ngành xi măng đã có 3 lần tăng giá bán sản phẩm. 3 lần tăng này, trung bình giá mỗi tấn xi măng đã tăng từ 200.000 - 290.000 đồng/tấn, tùy thương hiệu. Với bối cảnh thế giới cũng như trong nước hiện nay, khả năng từ nay tới cuối năm, giá bán xi măng vẫn tiếp tục tăng để bù đắp chi phí, duy trì sản xuất.

Sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng có thể giảm nhẹ trong kỳ điều hành 1/7/2022
Ngày 1/7, Liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần, dự báo giá xăng có thể giảm nhẹ trong kỳ điều hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư