Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhựa Đông Á tăng tỷ trọng đầu tư vào sản xuất
Chí Tín - 28/04/2017 10:02
 
Ngoài đại dự án Nhà máy sản xuất thanh profile mở rộng vừa bung hàng, trong năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG, sàn HOSE) sẽ đầu tư thêm một số dây chuyền khác.

Cuối năm 2016, Nhựa Đông Á đã đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất thanh profile mở rộng có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đến thời điểm này, Nhà máy đã lắp đặt xong 17 trên tổng số 31 dây chuyền mới và đã khai thác khoảng 50 - 60% công suất. Theo thiết kế, Nhà máy mở rộng có công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm, gấp 3 lần so với nhà máy trước đó, được đầu tư công nghệ tự động của Áo.

Hiện tại, hàng Trung Quốc chiếm 60 - 70% thị phần sản phẩm thanh profile, trong khi đó Nhựa Đông Á chiếm khoảng 25% toàn quốc và khoảng 40% thị phần tại miền Bắc. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Đông Á cho biết, Công ty đã xây dựng chiến lược phủ sóng thị trường  miền Nam. Ngoài việc phát triển các kênh phân phối, tiếp thị, Công ty sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để “đánh dẹp” hàng kém, hàng giả, hàng lậu... trên thị trường.

.
Nhựa Đông Á đang gia tăng tỷ trọng đầu tư vào sản xuất

Cửa nhựa có lõi thép gia cường với thành phần cốt yếu là thanh profile uPVC xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000. Thời điểm đầu, sản phẩm này hoàn toàn được nhập khẩu, chủ yếu từ châu Âu và Trung Quốc. Nhựa Đông Á đã tỏ ra nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường và là một trong những doanh nghiệp trong nước đầu tiên đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm này.

Năm 2017, Nhựa Đông Á đặt ra mục tiêu khá tham vọng, với doanh thu 1.710 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng, tăng 35%. Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận cao hơn so với doanh thu sẽ giúp biên lợi nhuận ròng (lợi nhuận ròng/doanh thu) của Công ty tăng lên. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của đại gia ngành nhựa này vẫn còn không ít gian nan.

Hiện tại, khi so sánh về biên lợi nhuận ròng với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác, thì Nhựa Đông Á vẫn có phần lép vế. Cụ thể, năm 2016, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 52,9 tỷ đồng, doanh thu 1.393 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ biên lợi nhuận ròng đạt 3,8%. Trong khi đó, chỉ số này của Nhựa Thiếu niên Tiền phong là 9,1%, Nhựa Bình Minh là 17%, Nhựa Rạng Đông là 4,45%...

Theo bà Ngô Thị Hòa, Kế toán trưởng Công ty, tỷ suất lợi nhuận của Nhựa Đông Á bao gồm cả 2 mảng sản xuất và thương mại, trong đó mảng sản xuất thường có biên lợi nhuận cao hơn. Do đó, nếu muốn tăng biên lợi nhuận, thì Công ty có thể đi theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất lên và thu hẹp hoạt động phân phối thương mại.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, việc cân đối các mảng kinh doanh trong giai đoạn tới vẫn là bài toán có nhiều biến số. Theo lãnh đạo Nhựa Đông Á, hoạt động thương mại tuy đem lại biên lợi nhuận thấp, nhưng an toàn. Khi tiếp cận những sản phẩm mới, Công ty cần một khoảng thời gian thử nghiệm thị trường thông qua hoạt động thương mại trước khi đầu tư vào sản xuất để giảm thiểu tối đa rủi ro về đầu tư.

Tuy nhiên, động thái của Nhựa Đông Á gần đây cho thấy, công ty này đang gia tăng tỷ trọng đầu tư vào sản xuất. Ngoài đại dự án Nhà máy sản xuất thanh profile mở rộng vừa bung hàng, trong năm 2017, Công ty sẽ đầu tư thêm một số dây chuyền khác gồm: 1 dây chuyền sản xuất tấm PP, 2 dây chuyền tấm fomex, 1 dây chuyền tấm mica và 1 dây chuyền sản xuất smartdoor...

Tham vọng của Nhựa Đông Á đến năm 2020 là có thể cán mốc doanh thu 3.000 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm nòng cốt sẽ là thanh profile, cửa smart window, tấm mica và tấm PP công nghiệp...

Nhựa Đông Á “vắt óc” giải bài toán phân bổ thị trường
Việc đưa Nhà máy Profile uPVC lớn nhất Việt Nam vào vận hành đã nâng Nhựa Đông Á lên đẳng cấp mới, nhưng điều này cũng song hành với áp lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư