Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Những chất vấn nào đang chờ Thủ tướng?
An Nguyên - 09/11/2020 06:15
 
Chính phủ đã xây dựng kịch bản cho GDP tăng trưởng thấp hơn 6% chưa là một trong những chất vấn đang chờ Thủ tướng trả lời.
.
Đại biểu Ksor Phước Hà  (Ksor H’Bơ Khăp)-  Gia Lai nêu chất vấn dành cho Thủ tướng.

Chính phủ đã xây dựng kịch bản cho GDP tăng trưởng thấp hơn 6% chưa? Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không? Công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa?...

Đó là một số vấn đề được đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng trong ngày đầu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ (ngày 6/11) tại kỳ họp thứ 10 đang diễn ra.

Như thường lệ, điều hành các phiên chất vấn là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong phát biểu khai mạc, bà nói: những nội dung chất vấn thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ trả lời, làm rõ thêm và cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Trịnh Đình Dũng đều đã nhận và đã trả lời chất vấn, song một số vị đại biểu vẫn dành chất vấn cho người đứng đầu Chính phủ.

Đại biểu Thái Trường Giang  (Cà Mau) muốn biết Chính phủ có những giải pháp đột phá, những hành động quyết liệt như thế nào để nhằm tháo gỡ những vướng mắc, những hạn chế về nhiều mặt nhằm thực hiện tốt hơn nữa 2 vấn đề.

Thứ nhất, về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn đứng thứ 7 trong ASEAN thì mục tiêu vào nhóm 4 dẫn đầu ASEAN vẫn còn nhiều thách thức. Thứ hai là về liên kết phát triển vùng, khi mà theo đánh giá của đại biểu thì các vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách thực thi ở cấp vùng, vai trò đầu tàu dẫn dắt trong quá trình phát triển của trung tâm lớn cấp vùng chưa rõ nét.

Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) bày tỏ rất phấn khởi khi thấy Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục kiên trì quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, xem đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, là đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước.

Quá trình hiện thực hóa quan điểm trên, nhiều cử tri cho rằng, Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành trên lĩnh vực kinh tế nhưng trên lĩnh vực văn hóa thì sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ chưa thật sự quyết liệt như mong đợi. Đề nghị Thủ tướng cho biết chính kiến của Thủ tướng về ý kiến nêu trên của cử tri? - đại biểu Tuấn chất vấn.

Đầu phiên chất vấn buổi chiều 6/11, Chủ tịch Quốc hội cho biết, "sáng nay, Thủ tướng vắng, có một số câu hỏi gửi tới Thủ tướng, vào chiều thứ Ba Thủ tướng sẽ dành thời gian để báo cáo, giải trình rõ thêm. Tất cả những câu hỏi đó, tôi sẽ chuyển đến Thủ tướng để Thủ tướng trả lời với các đại biểu".

Sau đó, các chất vấn dành cho người đứng đầu Chính phủ vẫn tiếp tục được đại biểu nêu. Đại biểu Ksor Phước Hà  (Ksor H’Bơ Khăp)-  Gia Lai nhắc lại phát ngôn của Thủ tướng là : "Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải phủ rừng xanh bạt ngàn, phải xem xét vấn đề phát triển thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng" và cho biết thật sự xúc động và trân trọng trăn trở đó của Thủ tướng.

Chất vấn của đại biểu với Thủ tướng là "việc phát triển phá rừng đúng quy trình thông qua các dự án thì phải chỉ mặt, điểm tên cá nhân, tổ chức nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được và Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không? Công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa?".

Đại biểu đoàn Bình Định, ông Lê Công Nhường chất vấn: Đại dịch Covid-19 hiện nay đang bùng phát trở lại mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam là nước có nền kinh tế mở nên sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Do vậy, dự kiến tăng trưởng GDP đạt khoảng 6% trong năm 2021 có thể không đạt được như dự kiến. Vậy xin hỏi Thủ tướng có những giải pháp đột phá nào để đạt mức tăng trưởng GDP là 6% khi mà hầu hết các nền kinh tế thế giới đều tăng trưởng âm. Chính phủ đã xây dựng kịch bản cho GDP tăng trưởng thấp hơn 6% chưa?

Câu hỏi thứ hai của đại biểu Nhường dành cho Thủ tướng là năm nay Việt Nam bội chi ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 84.000 tỷ đồng, nếu tăng trưởng GDP thấp hơn 6%, con số tuyệt đối của nợ công và trả nợ sẽ cao hơn dự kiến mà Bộ Tài chính xây dựng. Vậy Thủ tướng có những giải pháp nào để tăng thu ngân sách và sử dụng vốn hiệu quả, không làm tăng nợ công khi tăng trưởng không đạt 6% mà chỉ đạt 4% như dự kiến của một số chuyên gia trong tình hình dịch bùng phát hiện nay?

Kiên trì quan điểm cần xây dựng Luật Dịch vụ công, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu vấn đề: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong công tác lập pháp, quản lý, điều hành nền hành chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công chưa nghiên cứu, ứng dụng các luận cứ khoa học quản lý về hành chính công và dịch vụ công nên hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng về công và tư, chồng chéo, chưa đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công và tài sản công. Đó là nguyên nhân cốt lõi để giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn thời gian vừa qua.

Đại biểu Đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho biết, bao giờ sẽ thống nhất chỉ đạo các Bộ chức năng xây dựng, trình dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa theo nghị quyết của Đảng?

Như Baodautu.vn đã thông tin, cuối giờ sáng 10/11 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ khép lại 2,5 ngày chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp này với 115 phút vừa báo cáo, giải trình rõ thêm nhữn vấn đề đại biểu quan tâm, vừa trực tiếp trả lời chất vấn.

Quốc hội chuẩn bị chất vấn: Dành 115 phút cho Thủ tướng
Khác với kỳ họp thứ 9, kỳ họp thứ 10 Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư