Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 23 tháng 10 năm 2024,
Những chỉ tiêu chủ yếu về cơ cấu lại lĩnh vực tài chính
Minh Nhung - 22/06/2022 16:09
 
Tài chính là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế chuyển đổi, do vậy, cơ cấu lại lĩnh vực này là rất cần thiết và Nghị quyết số 54/NQ-CP đã chỉ ra những chỉ tiêu chủ yếu.

Nghị quyết 54/NQ-CP đã đề cập 4 chỉ tiêu cơ cấu lại về tài khóa: tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP 3,7% (đây là nội dung quan trọng của tài khóa); dư nợ thị trường trái phiếu/GDP tối thiểu bằng 47%, thấp hơn mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP tối thiểu đạt 85% (đây là thị trường vốn trung và dài hạn, để tín dụng ngân hàng tập trung vào thị trường vốn ngắn hạn); dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP ở mức 20%.

Quyết định số 368/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 và 2030 đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu: tỷ lệ huy động vào ngân sách/GDP bình quân 2021-2025 không thấp hơn 16%, thời kỳ 2026-2030 không thấp hơn 16-17%, trong đó thuế, phí là 13-14% và 14-15%; tỷ trọng tổng thu nội địa/tổng thu đến năm 2025 là 85-86%, đến năm 2030 là 86-87%; chi thường xuyên/tổng chi 62-63% thời kỳ 2021-2025, còn 60% thời kỳ 2026-2030; chi đầu tư phát triển/GDP 28%, phấn đấu 29%.

Ngoài ra, theo Quyết định số 368/QĐ-TTg, bội chi ngân sách/GDP bình quân 2021-2025 là 3,7%, đến năm 2030 là 3%; trần nợ công/GDP thời kỳ 2021-2025 không quá 60%, đến năm 2030 là 60%; trần nợ Chính phủ/GDP thời kỳ 2021-2025 không quá 50%, đến năm 2030 là 50%; trần nợ nước ngoài/GDP 2021-2025 là 50%, đến năm 2030 không quá 45%; so với GDP, đến năm 2025 quy mô vốn thị trường cổ phiếu 100%, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47%, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu 20%, đến năm 2030 các tỷ lệ tương ứng là 120%, ≥ 58%, ≥ 25%;

Cùng với đó, doanh thu bảo hiểm bình quân năm thời kỳ 2021-2025 tăng 15%, đến năm 2025 đạt 3-3,3%GDP, bình quân 2026-2030 tăng 10% và đến năm 2030 đạt 3,3-3,5% GDP; bình quân 2021-2025 giảm 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với 2016-2020, bình quân thời kỳ 2026-2030 giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với 2021-2025.

Trong cơ cấu lại lĩnh vực tài khóa, có 3 quan điểm quan trọng cần quan tâm.

Một là phải “khoan thư sức dân”. Chiếc bánh GDP có to ra thì thu ngân sách mới tăng; nếu chiếc bánh không to ra hoặc nhỏ lại mà tăng thu thì làm cạn kiệt nguồn thu, cạn kiệt sức dân, người sản xuất, kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi suất ngân hàng sẽ phá sản hoặc không tăng, tỷ lệ đưa vào hoạt động thấp hơn số khởi nghiệp… Theo đó, tỷ lệ thu ngân sách/GDP phải có xu hướng thấp xuống.

Hai là phải “nuôi dưỡng nguồn thu”, tức là giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, vì đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng.

Ba là, khi tỷ lệ đầu tư/GDP lớn hơn tỷ lệ tích lũy trong nước/GDP - tức là chấp nhận bội chi, nhưng phải ở mức thấp, nếu không sẽ tăng nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP. Đầu tư cao hơn tích lũy, mà đầu tư kém hiệu quả với hệ số ICOR cao như 2 năm trước (lên đến trên 10 lần - tức để tăng 1 đồng GDP phải đầu tư hơn 10 đồng); đã thế, khi đưa vào sử dụng, sản xuất, mà tỷ lệ lợi nhuận bị thấp xa cả lãi suất ngân hàng, thậm chí bị lỗ lã, thì rất nguy hiểm.

Một số chỉ tiêu tài chính khác, như cổ phiếu chứng khoán, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, 2022 đã cao hơn của thời kỳ 2016-2020 và được định hướng cao lên trong thời kỳ 2021-2025 và trong thời kỳ 2026-2030. Sau khi xuất hiện các vụ sai phạm gần đây, đã có những ý kiến khác nhau về thực tế và xu hướng này, nhất là trái phiếu doanh nghiệp.

Quyết liệt loại bỏ các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực tài chính
Trước đây, lợi dụng việc các công ty tài chính có những gói hỗ trợ khách hàng, một số đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư