Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Những doanh nghiệp Việt “mở đường” ở Campuchia
Nguyên Đức - 19/07/2017 08:51
 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia và đã góp phần quan trọng “mở đường” cho nhiều ngành kinh doanh tại thị trường này, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia.
TIN LIÊN QUAN

Những người mở đường

Người dân Campuchia nay đã quá quen thuộc với thương hiệu Metfone, do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phát triển tại thị trường này. Nhưng năm 2009, khi dự án này bắt đầu đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 150,3 triệu USD, cái tên ấy còn quá xa lạ.

Thực ra, khi Metfone bắt đầu “cuộc chơi” ở thị trường Campuchia, thị trường viễn thông Campuchia đã có tới 9 nhà mạng, với 6,3 triệu thuê bao. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn có sự xuất hiện của Metfone, thị trường viễn thông Campuchia đã phát triển vượt bậc. Hiện tại, số thuê bao đã lên tới gần 20 triệu và Metfone là nhà mạng dẫn đầu thị trường, với 8,9 triệu thuê bao.

Thương hiệu Metfone của Viettel tại Campuchia. Ảnh: Hữu Tuấn
Thương hiệu Metfone của Viettel tại Campuchia. Ảnh: Hữu Tuấn

Với hệ thống hạ tầng viễn thông rộng khắp, giá cạnh tranh, chỉ sau một thời gian ngắn, Metfone đã làm thay đổi “bộ mặt” thị trường viễn thông tại đây. Chưa kể, những đóng góp về ngân sách, về tạo việc làm… của Metfone cũng luôn được Chính phủ Campuchia đánh giá cao.

Trong khi đó, vào tháng 3 năm nay, Vinamilk đã gây bất ngờ khi chính thức thông báo việc nâng vốn đầu tư từ hơn 10 triệu USD lên 21 triệu USD để sở hữu toàn bộ Nhà máy Sữa Angkor Dairy Products Co., Ltd, mà ban đầu Vinamik đã liên doanh với một đối tác Campuchia để xây dựng và đã khánh thành vào tháng 5/2016.

Một nhà máy sữa quy mô có thể không quá lớn, nhưng lại là nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất tại Campuchia. Bởi thế, chưa nói tới chuyện chỉ trong vòng vài tháng đi vào hoạt động, Angkor Milk đã có doanh thu 15 triệu USD, mà quan trọng hơn, sự xuất hiện của nhà máy này đã góp phần quan trọng mở đường cho ngành công nghiệp sữa của Campuchia. Điều này đã được Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Thạch Dư nhấn mạnh tại lễ khánh thành Nhà máy vào giữa năm ngoái.

Sẽ còn một chặng đường khá dài để Vinamilk khẳng định được thành công tại thị trường Campuchia, giống như Viettel đã làm được. Nhưng một cách rõ ràng, vai trò “mở đường” của Viettel, của Vinamilk tại Campuchia là có thật. Và không phải chỉ có 2 tập đoàn lớn này, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua và có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của Campuchia.

Trong đó, tập trung nhiều nhất là trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, với tổng vốn đăng ký 2,1 tỷ USD; tiếp theo là tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, với 273,1 triệu USD; viễn thông 201,8 triệu USD…

“Nhìn chung, nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia hoạt động tốt, đóng góp nhiều mặt cho kinh tế - xã hội Campuchia, đã được phía Campuchia ghi nhận và đánh giá cao. Các dự án đầu tư hiện tại của Việt Nam đã có thương hiệu mạnh tại Campuchia, tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Campuchia như Metfone của Viettel; Hãng hàng không quốc gia Campuchia Angkor Air; các dự án nông - lâm sản…”, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài nói.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư của Việt Nam tạo việc làm cho hàng vạn lao động, giúp nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người lao động; bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Campuchia. Hiện Metfone là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cho Chính phủ Campuchia.

Vốn sẽ tiếp tục chảy

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 193 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,94 tỷ USD. Campuchia hiện đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam, sau Lào (gần 5,0 tỷ USD) và Liên bang Nga (2,97 tỷ USD).

Tuy nhiên, vốn đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào Campuchia, bởi các doanh nghiệp Việt Nam đều xác định đây là thị trường có nhiều tiềm năng.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Ngân hàng SHB góp thêm 25 triệu USD vào SHB Campuchia, nâng mức vốn điều lệ của ngân hàng này từ 50 triệu USD lên 75 triệu USD.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng nhiều ngân hàng Việt Nam đầu tư sang Campuchia. Một trong những lý do dễ thấy nhất là việc các ngân hàng này “theo chân” doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp này.

Đi đầu trong dòng chảy này, phải kể đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Từ năm 2009, BIDV đã thành lập ngân hàng tại Campuchia (BIDC). Tính đến cuối năm 2016, BIDC có vốn điều lệ 100 triệu USD, đứng thứ 6 tại thị trường Campuchia. Hệ thống mạng lưới của BIDC cũng đã được mở rộng với 10 chi nhánh, quy mô tổng tài sản đạt 740 triệu USD, dư nợ tín dụng đạt 520 triệu USD… Trong khi đó, Sacombank cũng không ngừng phát triển hoạt động kinh doanh tại Campuchia. Cuối năm 2016, Sacombank Campuchia có tổng tài sản 172,3 triệu USD…

Sự xuất hiện của ngày càng nhiều ngân hàng Việt Nam tại Campuchia là một trong những chỉ báo cho thấy, dòng chảy vốn đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia sẽ tiếp tục tăng cao, không chỉ dừng lại ở 2,94 tỷ USD như hiện nay.

Tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Campuchia năm 2017, được tổ chức mới đây tại Phnôm Pênh, Đại sứ Thạch Dư đã khẳng định, mặc dù đạt được những kết quả rất ấn tượng, nhưng tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia còn rất lớn.

Tuy nhiên, để đầu tư thành công tại Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các chính sách thuế, thị thực cho người lao động Việt Nam… Một khi các vướng mắc được tháo gỡ, dòng chảy vốn đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.

Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử tới Campuchia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ là cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác kinh tế, trong đó có hoạt động đầu tư, giữa hai nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư