Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Những lưu ý khi có ý định vay tiền ngân hàng
Hoài Thu (VnExpress) - 05/10/2017 07:41
 
Có mục đích sử dụng tiền chính đáng, tìm hiểu lãi suất cặn kẽ và đảm bảo tốt khả năng trả nợ... là những lưu ý quan trọng với những người có ý định đi vay tiền ngân hàng.
 Chỉ thật cần thiết mới nên vay tiền. Ảnh: QH.
Chỉ thật cần thiết mới nên vay tiền. Ảnh: QH.

Thấy bạn bè cùng trang lứa đều có ôtô trong khi lại liên tục được các nhân viên ngân hàng gọi điện tiếp thị vay mua xe lãi ưu đãi chỉ 7-8% mỗi năm (hỗ trợ 0% cho 3 tháng đầu), thế là chị Xuân ở TP HCM thúc chồng đi vay tiền để "tậu xe" cho bằng được.

Chị cho biết, ông xã đồng ý sắm chiếc xe 700 triệu đồng, trong đó đã có khoảng 200 triệu đồng tiền mặt và vay thêm ngân hàng 500 triệu. Thời gian đầu có xe, vợ chồng chị rất háo hức nhưng rồi vài tháng sau, xe cũng chỉ "nằm nhà đắp chăn", bởi chồng chị là dân công trình nên thường xuyên công tác xa, không có thời gian lái xe đưa gia đình đi chơi. Trong khi đó, chị ở nhà buôn bán, cũng chẳng mấy khi có nhu cầu dùng xe hơi.

"Một năm chỉ dùng xe được vài lần, trong khi hàng tháng cứ trả lãi hàng chục triệu đồng cho khoản vay trước đó thấy xót hết cả ruột. Do trước khi mua không chịu cân nhắc kỹ mà chỉ đua theo phong trào, giờ bán thì lỗ cũng tiếc nên đành để vậy", chị nói.

Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay nhiều ngân hàng tung ra các chương trình quảng bá rầm rộ về các sản phẩm cho vay tiêu dùng ưu đãi đã kích thích rất nhiều khách hàng. Việc vay tiền để làm những điều mình muốn là chính đáng và không ai cấm đoán. Tuy nhiên, mọi người hãy cân nhắc và tính toán thật kỹ trước khi vay. "Chỉ khi thật cần thiết mới nhờ đến nguồn vốn vay của ngân hàng để tránh phải trả nợ và khoản tiền lãi không nhỏ hàng tháng mà ai cũng không mong muốn", ông khuyến nghị.

Tham khảo trước lãi suất

Hiện nay Việt Nam có gần 40 ngân hàng cổ phần và hàng chục chi nhánh, ngân hàng nước ngoài nên để thu hút người vay, nhiều ngân hàng liên tục cạnh tranh bằng các chương trình lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, khi bạn có ý định vay ngân hàng thì cần tìm hiểu kỹ xem ngân hàng nào có chính sách lãi suất tốt nhất.

Muốn vậy, khách hàng cần ngồi tính toán kỹ khoản lãi suất thực phải trả nếu áp theo dư nợ giảm dần và  tính theo dư nợ ban đầu. Ngoài ra, nên xem kỹ thời gian ưu đãi lãi suất của mỗi ngân hàng là bao lâu, đối tượng khách hàng tham gia như thế nào để xác định có phù hợp với mình hay không.

Hiện nay, phần lớn khách vay ngân hàng thường chỉ quan tâm đến số tiền được vay và số tiền phải trả góp hàng kỳ tính theo lãi suất hiện tại mà quên rằng ngân hàng sẽ thay đổi lãi suất theo định kỳ. Vì vậy, khi vay bạn cần hỏi rõ cách thức tính hoặc cách cập nhật lãi suất sau mỗi kỳ điều chỉnh của ngân hàng... rồi hãy quyết định vay hay không.

Cân nhắc khả năng trả nợ

Nhiều người hay có tâm lý cứ vay đại rồi sẽ có cách trả nợ, nên không ít trường hợp vay xong rồi sau đó lại mất khả năng chi trả. Như trường hợp chị Lan, nhân viên kế toán một công ty ở quận 10, TP HCM. Thu nhập của chị mỗi tháng 8 triệu đồng, còn chồng chạy xe chở hàng thuê cũng tầm 8 triệu (nhưng đây là khoản thu không ổn định). Vợ chồng chị với số tiền vốn khoảng 150 triệu đồng, vẫn quyết định vay thêm ngân hàng 450 triệu (thời hạn 5 năm) để mua một căn nhà cấp bốn (40m2) tại quận 12.

Với lãi suất khoảng 9% một năm, tính ra mỗi năm 2 vợ chồng phải trả lãi 40,5 triệu đồng - tương đương 3.375.000 đồng mỗi tháng (trả theo từng tháng với dư nợ ban đầu). Dự tính trả nợ trong thời hạn 5 năm, nên mỗi tháng chị phải tích lũy riêng một phần khoảng 7,5 triệu để trả gốc cho đến khi tới hạn. Như vậy, tổng cộng cả lãi và gốc, mỗi tháng phải chi tầm 10,9 triệu đồng, còn hơn 5 triệu để chi tiêu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, kinh tế khó khăn, ít người kêu chở hàng nên thu nhập của chồng chị Lan sụt hơn một nửa. Ban đầu cũng cố cầm cự, mượn từ người thân, bạn bè nhưng sau đó thì không đủ khả năng trả nên vợ chồng chị quyết định bán căn nhà để thanh toán nợ cho ngân hàng và đi thuê nhà ở.

Để tránh cảnh kiệt quệ tài chính, các chuyên gia khuyên người vay nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi có ý định đi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ. Do đó, với trường hợp của chị Lan, khi thu nhập hai vợ chồng khoảng 16 triệu thì chỉ nên tính toán số tiền trả nợ hàng tháng tầm 6-7 triệu đồng chứ không nên kham 10,9 triệu đồng.

Nếm "trái đắng" vì vay tiền ngân hàng xây nhà trọ cho thuê
Vay 1,1 tỷ đồng lãi suất 15% và khoản vốn tự có để xây phòng trọ nhưng ế khách, anh Kha phải bán tháo để trả nợ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư