Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những nhân tố ảnh hưởng tới chứng khoán Mỹ tuần này
Lê Quân - 10/01/2022 08:18
 
Lạm phát, lãi suất và thông điệp chính sách của Fed là ba nhân tố có thể khiến chứng khoán Mỹ tiếp tục gặp sóng gió sau tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 với nhiều khó khăn.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm tới 4,5% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022. Ảnh: AFP
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,5% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022. Ảnh: AFP

Tuần này, một số báo cáo về lạm phát Mỹ trong tháng 12/2021 sẽ được công bố. Bên cạnh đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, sẽ tham gia phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở, và Vấn đề đô thị của Thượng viện Mỹ vào ngày 11/1, còn phiên điều trần đối với bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, người được đề cử vào vị trí Phó chủ tịch Fed, dự kiến diễn ra vào ngày 13/1.

Ngoài ra, một số ngân hàng lớn tại Mỹ như JPMorgan Chase, Citigroup, và Wells Fargo dự kiến công bố báo cáo lợi nhuận quý IV/2021 vào ngày 14/1.

Ông Leo Grohowski, Giám đốc đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản BNY Mellon cho rằng: "Lạm phát và Fed tiếp tục là tâm điểm của tuần tới, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang mong đợi thu thập được một số kết quả lợi nhuận doanh nghiệp để đánh giá tình hình".

"Chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một quý tốt (quý IV/2021 - BTV) và một năm tốt (2021) về mặt lợi nhuận, đó là lý do tại sao chúng tôi lạc quan về triển vọng lợi nhuận", ông Grohowski nói thêm. Nhà phân tích này cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ tuần tới sẽ chủ yếu tập trung vào các phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell và bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc, kết quả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ công bố vào ngày 12/1 và chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố một ngày sau đó.

"Tôi cho rằng sẽ không hợp lý nếu cho rằng lợi nhuận là câu chuyện trang 1 trong khi chính sách tiền tệ của Fed là câu chuyện trang 2", ông Grohowski nói.

Chứng khoán Mỹ đã có tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 với nhiều khó khăn do lợi suất trái phiếu bất ngờ tăng cao khi giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm tăng lãi suất, đồng thời cho rằng mức độ lây nhiễm biến thể Omicron của Covid-19 sẽ đạt đỉnh trong vài tuần tới.

Cổ phiếu công nghệ niêm yết tại Mỹ hứng thiệt hại nặng nề khi rổ Nasdaq Composite giảm tới 4,5% trong tuần đầu năm 2022, còn chỉ số Dow Jones gần như đứng ngoài vùng tiêu cực với mức giảm 0,3%. Quỹ SPDR trong lĩnh vực công nghệ trượt sâu tới 4,6% trong phiên giao dịch chiều 7/1, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng cao nhờ triển vọng lợi nhuận tăng lên nếu Fed tăng lãi suất cơ bản. Kết thúc tuần giao dịch đầu năm, Quỹ SPDR trong lĩnh vực tài chính đã tăng 5,4%.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 khép lại tuần giao dịch đầu năm ở mức 4.677 điểm, giảm 1,9%.

"Tuần này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những gì chúng ta sẽ phải đối trong năm 2022", ông Grohowski đánh giá. Chuyên gia này cho rằng thị trường đã chào đón năm 2022 với lợi nhuận thấp hơn và rủi ro nhiều hơn.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, một chỉ số ảnh hưởng đến các khoản thế chấp và các khoản cho vay khác, đã tăng từ 1,51% vào giờ giao dịch cuối cùng của năm 2021 lên mức 1,80% trong ngày 7/1. Đây là mức tăng lợi suất lớn thứ hai trong tuần đầu tiên của 20 năm qua, theo ghi nhận của Ngân hàng đầu tư Wells Fargo (Mỹ).

Ông Grohowski dự đoán lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ đạt 2,25% vào cuối năm 2022, mặc dù nó đã tăng nhanh hơn dự kiến ngay tuần đầu tiên của năm. "(Lợi suất) cán mốc đó càng sớm thì càng gây ra nhiều tổn thương hơn ... đối với nhóm cổ phiếu công nghệ và rổ Nasdaq", Giám đốc đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản BNY Mellon lưu ý.

Mặt khác, việc Fed bất ngờ chuyển hướng sang lập trường "diều hâu" cũng là một điều bất ngờ đối với giới đầu tư. "Hầu hết những người tham gia thị trường đều mong đợi lãi suất tăng cao hơn, chính sách tiền tệ bớt nới lỏng, nhưng khi nhìn vào các nguồn tiền mà Fed cấp ra, thì 90% khả năng việc tăng lãi suất sẽ được tiến hành vào tháng 3", Giám đốc đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản BNY Mellon nhận định.

Tuần này sẽ diễn ra 3 phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ quy mô lớn, với 52 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 3 năm dự kiến được đấu giá vào ngày 11/1, 36 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ được đấu giá vào ngày 12/1, và 22 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 30 năm vào ngày 13/1.

Ở diễn biến khác, phiên điều trần Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 11/1 sẽ là điểm đáng lưu ý đối với thị trường chứng khoán trong tuần tới, không phải bởi ông Jerome Powell sẽ công bố thông tin gì mới, mà khả năng cao ông sẽ tái khẳng định quan điểm của Fed như đã nêu trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2021 vừa được công bố tuần này.

Giới đầu tư cũng đã lên dây cót chuẩn bị cho những sóng gió khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, giảm thêm mức mua vào trái phiếu mỗi tháng, và hệ lụy thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD hiện nay của Fed. Điều mà họ không mong muốn là cả 3 động thái trên sẽ diễn ra cùng lúc. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2021 lại cho thấy khả năng này là điều có thể xảy ra.

Đối với lạm phát tháng 12, các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng cả 2 chỉ số CPI và PPI vẫn tiếp tục tăng nóng trong tháng 12, mặc dù xuất hiện một số ý kiến cho rằng lạm phát của Mỹ đã gần đạt đỉnh. Trước đó, chỉ số CPI tháng 11 tăng 6,8%, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Chứng khoán Mỹ, dầu thô cùng lao dốc
Các chỉ số chính của Wall Street mất gần 6% đầu phiên, trong khi dầu thô Mỹ giảm 12% xuống đáy 18 năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư