Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nicolas Plesse, CEO Ubiquest: Khởi nghiệp vì bị từ chối ý tưởng kinh doanh mới
Gia Huy - 15/01/2017 10:10
 
Nhiều lần bị công ty từ chối ý tưởng kinh doanh mới, Nicolas Plesse quyết định khởi nghiệp bằng con đường của riêng mình tại Việt Nam.

Chuyển hướng vì ý tưởng kinh doanh bị từ chối

Giống như Hàn Quốc, Việt Nam cũng đang có khá nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và vì vậy, có nhiều người nước ngoài lựa chọn Việt Nam để khởi nghiệp. Nicolas Plesse là một trong số đó.

Người đàn ông mang quốc tịch Pháp này cho biết, trước khi đến Việt Nam, ông từng làm việc tại Canada và một số nước khác. Đến năm 2006, ông quyết định chọn Việt Nam để làm việc với chức vụ giám đốc marketing cho một công ty du lịch tại Hà Nội.

CEO Nicolas Plesse. Ảnh: Gia Huy
CEO Nicolas Plesse. Ảnh: Gia Huy

“Khi đặt chân tới Việt Nam, điều đầu tiên tôi thấy đây là một đất nước sống động và đầy màu sắc. Nhưng sau một thời gian khám phá, tôi mới nhận ra rằng, để hòa nhập vào cuộc sống nơi đây sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khỏa lấp sự khác biệt quá lớn giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt. Cũng từ quãng thời gian đi tìm hiểu văn hóa Việt, tôi hình thành trong đầu những ý tưởng về một hình thức du lịch mà chưa doanh nghiệp nào trong nước áp dụng”, Nicolas Plesse kể.

Một trong số những khác biệt, đó là các chương trình team building cho công ty. Nicolas Plesse cho biết, ông nhận thấy những chương trình hiện nay hoàn toàn không hấp dẫn, chỉ quanh quẩn các trò vận động đơn giản, đi ăn rồi về. Dù vậy, các công ty ông từng làm đều không có ý định thay đổi nội dung. Về phần mình, Nicolas Plesse bị từ chối thẳng thừng các kế hoạch làm mới chương trình.

Năm 2014, Nicolas Plesse quyết định nghỉ việc để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, bằng việc đưa ra những chương trình du lịch mới trên bộ khung là mô hình team building truyền thống. Để thử nghiệm chương trình, Nicolas Plesse chọn những công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, những đoàn du lịch nước ngoài tới Việt Nam để áp dụng.

“Với tour du lịch này, tôi muốn tạo ra sự gắn kết các thành viên, tạo ra một bước đột phá vượt qua rào cản ngôn ngữ cho các thành viên đến từ nhiều nước khác nhau. Tôi lựa chọn các địa điểm để tiến hành tour,  nhưng không hướng tới vịnh Hạ Long, hay khu Đồng bằng sông Cửu Long”, Nicolas Plesse nói.

Chương trình được xây dựng với sự sắp xếp về khung cảnh, cùng những câu chuyện có diễn viên, nhân vật để đưa vào tour. Khách sẽ phải thực hiện chia đội, cùng đi giải mã bí mật câu chuyện đó thông qua các chỉ dẫn mà chương trình đưa vào.

Nicolas Plesse đã tiến hành phân tích kỹ thị trường từng nước, nhu cầu người dân các nước với nhu cầu du lịch ở Việt Nam; phát hiện những địa chỉ cụ thể để liên hệ mời sản phẩm; mời các doanh nghiệp tới thử tour du lịch mà Ubiquest đang triển khai.

Nicolas Plesse cho biết, chương trình này đã được áp dụng tại nhiều nước, nhưng ở Việt Nam thì còn mới mẻ. Tại TP.HCM, Nicolas Plesse áp dụng tour du lịch này một cách hiệu quả. Ông thuê những căn hộ tại khu chung cư cũ, xây dựng cốt truyện theo một mô típ thám tử rồi cho du khách tham gia giải mã câu chuyện đó bằng việc đặt những vật chứng ở những điểm thăm quan nổi tiếng của TP.HCM.

“Tôi nghiên cứu khá kỹ tại nhiều nước trên thế giới đang áp dụng tour dạng này, sau đó kết hợp với văn hóa của Việt Nam để tạo ra những tour du lịch khám phá vui và hiệu quả. Kết thúc tour, tôi sẽ có những báo cáo cho lãnh đạo công ty về sự năng động và các đánh khác về  năng lực nhân viên của họ”, Nicolas Plesse nói.

Chiến lược mở rộng

Người Việt mở công ty kinh doanh ngay tại Việt Nam đã khó, người nước ngoài tất nhiên còn khó hơn, vì sự phức tạp của thủ tục hành chính, hệ thống luật pháp, văn hóa và chiến lược kinh doanh… Nicolas Plesse cho biết, ông không sợ khó, sợ khổ vì đã làm kinh doanh phải biết vượt khó. Còn với các mảng luật pháp trong kinh doanh và văn hóa Việt, thì ông đã có… vợ là người Việt Nam, nên ông hoàn toàn rảnh tay để “vượt ải” mảng chiến lược kinh doanh.

Điều đầu tiên CEO này phải làm là tiếp cận khác hàng để thuyết phục. Lý lẽ thuyết phục nhất với khách hàng chính là sự khác biệt mà công ty ông có thể mang tới. Một trong những điểm nổi trội của mô hình này là sau khi kết thúc tour, nhân viên sẽ có thái độ thân thiện hơn trong giao tiếp, làm việc tốt hơn và tất nhiên, sự đoàn kết giữa các thành viên trong công ty cũng sẽ gia tăng đáng kể.

“Tôi sẽ phải chứng minh cho khác hàng những điều đó, để họ thấy điểm lợi mà chúng tôi đem lại”, Nicolas Plesse nói.

Một điểm nữa mà CEO này nhận thấy đầy tiềm năng ở thị trường Việt Nam, đó là lao động Việt Nam có tính linh hoạt rất cao trong công việc. Ví dụ, tại các nước, sau 17 giờ, lao động sẽ không làm việc nữa, thì ở Việt Nam người lao động sẽ tiếp tục cho tới khi hoàn thành công việc. Một điều nữa là, môi trường kinh doanh của Việt Nam tạo khá nhiều thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp nhỏ, trong khi tại Pháp, những doanh nghiệp nhỏ rất khó tìm ra cơ hội.

Thêm vào đó, Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, bởi nguồn nhân lực giá rẻ. Nếu so sánh ở Pháp, chi phí thuê một kỹ sư sẽ là 4.000 USD/tháng, thì ở Việt Nam, với một kỹ sư giỏi, khoản chi phí này ít khi cao hơn 1.500 USD.

Tới thời điểm này, sau hơn 2 năm phát triển, Công ty TNHH Ubiquest đã có những thành công, những tour du lịch được khác hàng lựa chọn nhiều hơn. Chính vì vậy, đây là lúc Nicolas Plesse tìm cách khuếch trương hoạt động của Công ty. Theo kế hoạch được xây dựng,  Nicolas Plesse sẽ phát triển thêm loại tour du lịch nhỏ lẻ, diễn ra trong ngày tại khu vực Chợ Lớn, TP.HCM, Hội An và dự kiến sẽ tiến ra thị trường Hà Nội.

“Nghiên cứu thị trường thì thấy, tour du lịch team building tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh, tôi nghĩ, với một thị trường rộng mở, tôi sẽ mở rộng kinh doanh, với hướng tiếp cận các công ty nước ngoài. Một hướng mở rộng khác là tìm cơ hội để tiến vào thị trường Singapore, Hồng Kông, Mỹ và Anh và tiếp sau đó là sẽ Nhật Bản”, ông Nicolas Plesse chia sẻ.

Để làm được điều này, Nicolas Plesse đã tiến hành phân tích kỹ thị trường từng nước, nhu cầu người dân các nước với nhu cầu du lịch ở Việt Nam thế nào; phát hiện những địa chỉ cụ thể để liên hệ mời sản phẩm; mời doanh nghiệp trong và ngoài nước tới thử tour du lịch mà Ubiquest đang triển khai.

Không ngại cạnh tranh tại thị trường du lịch tại Việt Nam, ông Nicolas Plesse cho rằng, mặc dù hơn hẳn các công ty du lịch của Việt Nam sự mới, lạ và hiệu quả mà tour du lịch của ông mang lại, nhưng khi mà các công ty nước ngoài đang đổ bộ vào ngành du lịch Việt Nam với những tour khám phá như leo núi, hay đi xe đạp địa hình… ông sẽ phải nghĩ nhiều hơn để cho ra những sản phẩm, sao cho không bị đối thủ vượt mặt.

Nói về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Nicolas Plesse cho rằng, các chính sách thay đổi liên tục, doanh nghiệp rất khó khăn để bắt kịp. Chẳng hạn, việc thay đổi giấy phép lao động hay thời hạn visa quá ngắn đối  với người lao động nước ngoài.

“Hiện nay, khách du lịch vẫn phải mất phí làm visa khi nhập cảnh vào Việt Nam. Tôi cho rằng, nếu so với một số nước trong khu vực lâu nay đã bỏ phí này, ngành du lịch Việt Nam sẽ ít nhiều bị giảm khả năng cạnh tranh”, Nicolas Plesse nói.

CEO GotIT! Hùng Trần: "Ở Silicon Valley, ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất"
Trở về từ Silicon Valley tại Mỹ, CEO GotIT! Hùng Trần khuyên các bạn trẻ Việt Nam không nên khởi nghiệp cho tới khi các bạn hiểu rõ về những thứ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư