Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Ninh Bình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bùi Văn Mạnh (*) - 03/09/2022 13:26
 
Đến năm 2025, Ninh Bình phấn đấu đón 8 - 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 8.000 tỷ đồng trở lên, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Tràng An thơ mộng hữu tình, có sức hút lớn với du khách trong nước và quốc tế
Tràng An thơ mộng hữu tình, có sức hút lớn với du khách trong nước và quốc tế

Địa chỉ du lịch đặc biệt hấp dẫn

Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, trung tâm du lịch của vùng Duyên hải Bắc bộ. Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, du lịch Ninh Bình đã chính thức ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới, mang đến nhiều cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ động, thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi tiếng như Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long…, Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích quốc gia, 279 di tích cấp tỉnh.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đến năm 2030, Ninh Bình sẽ thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP, tạo việc làm cho 43.700 lao động.

Bên cạnh đó, Ninh Bình còn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng, là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo cùng văn hóa ẩm thực độc đáo... với trên 260 lễ hội truyền thống, đặc sắc và nhiều làng nghề truyền thống như Làng thêu Văn Lâm, cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, gốm cổ Bồ Bát…

Theo định hướng phát triển du lịch Ninh Bình và du lịch Việt Nam, sản phẩm chủ yếu của Ninh Bình là du lịch sinh thái Khu hang động Tràng An, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương; loại hình du lịch văn hóa tập trung vào các điểm khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, du lịch tâm linh Bái Đính… Ngoài ra, Ninh Bình còn phát triển thêm các loại hình du lịch mới như du lịch cuối tuần, trên sông, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, thể thao, làng nghề…

Cùng với phát triển du lịch nội tỉnh, Ninh Bình đã liên kết đầu tư và phát triển du lịch với các trung tâm du lịch như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Hòa Bình; hợp tác tuyến du lịch dự trữ sinh quyển thế giới Khu quần đảo Cát Bà với Quần thể danh thắng Tràng An…

Công tác quản lý về môi trường luôn được ngành du lịch tỉnh Ninh Bình quan tâm; chú trọng vệ sinh môi trường, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng yếu như chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động... Tỉnh cũng đã xây dựng và hình thành trạm hỗ trợ du khách, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ thông tin cho hàng ngàn lượt khách.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch không ngừng được đầu tư phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 703 cơ sở lưu trú với khoảng 8.720 phòng nghỉ. Các cơ sở lưu trú được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại. Tiêu biểu là khách sạn Ninh Bình Legend đã đón nhận danh hiệu 5 sao với quy mô 268 phòng nghỉ, 6 sảnh sự kiện lớn, quy mô 2.500 khách cùng với các nhà hàng Á, Âu sang trọng, dịch vụ chất lượng cao.

Mục tiêu 8 triệu lượt khách - 8.000 tỷ đồng

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mục tiêu đến năm 2025, Ninh Bình thu hút được 8 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP, tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên. Đến năm 2030, thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP, tạo việc làm cho 43.700 lao động.

Ngày 29/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Đặc biệt, Nghị quyết đã chuyển hướng chiến lược phát triển, từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”. Theo đó, Ninh Bình tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có “hàm lượng văn hóa cao”, nâng cao chất lượng dịch vụ, coi chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ là lợi thế cạnh tranh, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch bằng sản phẩm độc đáo, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Để định vị và phát triển thương hiệu điểm đến, Ninh Bình đã xác định đặc trưng của du lịch tỉnh nhà là gắn với hình ảnh, giá trị “di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, di tích quốc gia đặc biệt lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư hướng tới chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững”. Đây là trụ cột, là động lực để phát huy các giá trị, tài nguyên khác của tỉnh.

Năm 2021, ngành du lịch đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình; tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Từ đó, Ninh Bình đã xây dựng các giải pháp trọng tâm mang tính đột phá. Đó là đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Cùng với đó, tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu lớn đầu tư các khu dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm, giải trí. Trước mắt, tập trung triển khai hoàn thành một số dự án du lịch lớn như công viên văn hóa Tràng An, khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình cùng các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Đặc biệt, chú trọng đến tính độc đáo, vượt trội của du lịch Ninh Bình, chất lượng sản phẩm du lịch phải phù hợp với từng thị trường khách trong nước và quốc tế. Chú trọng quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Ninh Bình bằng nhiều hình thức trên các kênh thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, khai thác và ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội để quảng bá, tiếp cận thị trường khách mục tiêu và tiềm năng; tổ chức tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường du lịch tiềm năng.

Ninh Bình tập trung huy động các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia truyền thông xây dựng các khu, điểm du lịch an toàn, thân thiện, văn minh; kết hợp giữa xây dựng hình ảnh, thương hiệu với hoạt động quảng bá điểm đến du lịch của tỉnh.

Thời gian tới, ngành du lịch sẽ triển khai xây dựng và phát triển hệ thống thông tin số du lịch tỉnh Ninh Bình; thực hiện các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc thi ảnh đẹp, check-in trên các trang tin điện tử du lịch của tỉnh; xây dựng và lắp đặt các quầy để hỗ trợ khách tra cứu thông tin du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch “thực tế ảo” với ứng dụng công nghệ 3D/4D để nâng cao trải nghiệm của du khách.

Ngành du lịch cũng sẽ tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, đổi mới mô hình kinh doanh phát triển các sản phẩm du lịch mới; khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ, bổ sung giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, chú trọng quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai đề án, chương trình tổng thể, bảo tồn, khai thác giá trị di sản Cố đô Hoa Lư và di sản văn hóa khảo cổ học tiền sử nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của Ninh Bình.

Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là kỹ năng quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, các doanh nghiệp và thái độ, kỹ năng của nhân viên ngành du lịch; tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là tại các khu, điểm du lịch về văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh và ý thức gìn giữ môi trường, cảnh quan.

Với thế mạnh giá trị thiên nhiên độc đáo mà cha ông để lại, giá trị lịch sử - văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm cùng giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, lại được sự quan tâm của Trung ương, Ninh Bình sẽ trở thành một trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(*) Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình

Bộ GTVT ủng hộ đầu tư sớm cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua TP. Hải Phòng
Hiện còn khoảng 7 km đoạn thuộc tuyến cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng đi qua địa phận TP. Hải Phòng chưa được nghiên cứu đầu tư xây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư