Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Ninh Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà làm phim quốc tế
Nguyễn Linh - 10/09/2024 17:36
 
Trao đổi bên lề tại Tọa đàm “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/9, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đã có những chia sẻ về sự nỗ lực của Ninh Bình trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim quốc tế.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình.

Thời gian qua, Ninh Bình đã hỗ trợ các đoàn làm phim đến quay tại địa phương như thế nào, thưa ông?

Trong những năm vừa qua, Ninh Bình đã rất nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim, đặc biệt là các đoàn làm phim quốc tế. Từ năm 2000 đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ nhiều bộ phim nước ngoài quay tại Ninh Bình.

Cụ thể, chúng tôi hỗ trợ toàn bộ về mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, và cung cấp các dịch vụ miễn phí như chèo thuyền hoặc huy động người dân tham gia vào các hoạt động quay phim. Những hỗ trợ này nằm trong khả năng và nguồn lực của tỉnh, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn làm phim thực hiện công việc của mình.

Ngoài việc cung cấp các bối cảnh đẹp, việc đảm bảo các tiện nghi lưu trú và sinh hoạt đạt chuẩn quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện tại, Ninh Bình đã có một số khách sạn từ 4 đến 5 sao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các đoàn làm phim lớn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cần có một chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia để thu hút và hỗ trợ các nhà làm phim, bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục đơn giản hóa và một đầu mối hỗ trợ từ cấp quốc gia đến địa phương.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức chuyên môn để xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh toàn diện hơn, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các đoàn làm phim đến với Ninh Bình. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh mà còn góp phần vào sự phát triển chung của ngành điện ảnh Việt Nam.

Vậy trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ có những chính sách nào để thu hút và tạo điều kiện cho các đoàn làm phim quốc tế đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?

Lợi thế của Ninh Bình là cảnh quan tự nhiên và hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ cho các đoàn làm phim, đặc biệt là khách sạn, nhà hàng cao cấp để phục vụ các đoàn làm phim quốc tế, hiện vẫn còn hạn chế. Chúng tôi thường phải thuê các dịch vụ này từ bên ngoài, gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của các đoàn làm phim.

Về tổng thể, Ninh Bình và các địa phương khác cần một chiến lược quốc gia đồng bộ để thu hút các nhà làm phim quốc tế. Thứ nhất, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, cơ chế thuận lợi để phát triển nền điện ảnh trong nước, hỗ trợ phát triển các tác phẩm điện ảnh có giá trị. Các tác phẩm này không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, mà còn có thể trở thành sản phẩm cốt lõi để lan tỏa hình ảnh đất nước.

Thứ hai, về vấn đề về đầu mối hỗ trợ từ cấp quốc gia đến cấp địa phương. Khi các đoàn làm phim vào Việt Nam, cần có đơn vị đầu mối hỗ trợ từ thủ tục ban đầu cho đến quá trình triển khai thực hiện quay phim, kết nối các nguồn lực liên quan và giải quyết những vấn đề phát sinh. Việc này rất quan trọng để đảm bảo quá trình làm phim diễn ra suôn sẻ.

Thứ ba, chúng ta cần chú trọng đến việc hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các tác phẩm điện ảnh có giá trị. Nguồn vốn để làm phim là một vấn đề lớn; việc chỉ dựa vào một vài nhà đầu tư hoặc ngân sách nhà nước sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cần có các quỹ đầu tư mạo hiểm về tài chính để hỗ trợ các nhà làm phim, giúp họ có đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án lớn. 

Một bộ phim có thể cần đến vài trăm tỷ đồng để hoàn thành, và nếu chỉ để một mình nhà đạo diễn hay nhà đầu tư chịu trách nhiệm thì rất khó. Do đó, cần có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội, cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các tác phẩm điện ảnh chất lượng cao.

Thưa ông, mùa du lịch cao điểm sắp tới, Ninh Bình có chiến lược như thế nào để thu hút khách quốc tế?

Khách quốc tế là một trong những thị trường mà Ninh Bình đang đặc biệt chú trọng phát triển. Năm nay, lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đã tăng gấp hai đến ba lần so với năm ngoái, với khoảng gần 900.000 lượt trong tám tháng đầu năm. Với định hướng phát triển như hiện nay, chúng tôi dự kiến sẽ thu hút được hơn 1 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Đây là thị trường tiềm năng và là mục tiêu mà ngành du lịch Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh.

Chúng tôi đang tập trung vào việc truyền thông qua các nền tảng số, các bộ phim, chương trình truyền hình thực tế, và các hoạt động quảng bá sáng tạo khác. Từ cuối năm nay, chúng tôi sẽ có các chương trình xúc tiến du lịch tại Nhật Bản, để mở rộng thêm các thị trường khách du lịch quốc tế. 

Ngoài ra, Ninh Bình cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách. Chúng tôi đang đầu tư cải thiện hạ tầng du lịch, nâng cấp các cơ sở lưu trú và phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách quốc tế. Chúng tôi hiểu rằng việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa, kết hợp với sự chuyên nghiệp trong phục vụ là yếu tố then chốt để thu hút du khách quay trở lại. Do đó, tỉnh cũng đang tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch, từ hướng dẫn viên đến nhân viên phục vụ, để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách.

Được biết vào năm 2017, bộ phim nổi tiếng “Kong: Skull Island” đã chọn bối cảnh tại Đầm Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vậy thủ tục để thực hiện các dự án tương tự trong thời gian tới như thế nào, và việc phát triển phim trường hiện nay ra sao, thưa ông?

Hiện nay, việc xây dựng các phim trường đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh. Đây sẽ là cơ sở pháp lý và khoa học để nghiên cứu, phục dựng và xây dựng các phim trường phù hợp. Tuy nhiên, về địa điểm cụ thể hay các kế hoạch chi tiết thì chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có quyết định chính thức.

Chúng tôi đang phối hợp với các ngành chức năng để tham mưu cho tỉnh về việc tổ chức xây dựng, phục dựng lại một số di tích lịch sử, tạo bối cảnh cho các bộ phim cổ trang hay phim truyền thống. Việc phát triển này đòi hỏi một chiến lược tổng thể và có sự tư vấn chuyên môn từ các tổ chức điện ảnh chuyên nghiệp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hợp tác chặt chẽ, Ninh Bình sẽ thu hút được nhiều dự án điện ảnh lớn trong tương lai, góp phần phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa của tỉnh. 

Tôi tin rằng, các bộ phim mang nhiều giá trị sẽ là phương tiện hiệu quả để quảng bá văn hóa, con người và du lịch Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Với nhiều vẻ đẹp thiên nhiên riêng có, những năm qua, Ninh Bình đã nhiều lần được các tổ chức trong nước và thế giới xếp hạng cao trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín.

Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã đón hơn 6,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 500 ngàn lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đón trên 6,8 triệu lượt khách, tăng 32,71% so với cùng kỳ năm trước, đạt 91,94% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách nội địa đón 6,06 triệu lượt khách, khách quốc tế đón hơn 827 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt hơn 6.758 tỷ đồng, tăng 45,65% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 81,92% so với kế hoạch năm 2024.

Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt” có nhiều hoạt động đặc sắc
Ngày 22/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo chương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư