Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nợ của doanh nghiệp nhà nước vẫn không tính vào nợ công
Nguyên Đức - 25/05/2017 14:27
 
Dự thảo mới nhất của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), được Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội sáng nay, vẫn không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công.
.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc quy định nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp, bám sát mục tiêu, quan điểm sửa Luật là thể chế hóa đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý sử dụng nợ công

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng 25/5 đã báo cáo Quốc hội Dự thảo Luật Quản lý nợ công. Và một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh, đó là phạm vi của nợ công được xác định như thế nào.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo luật hiện hành, nợ công bao gồm nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương.

“Quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, qua tổng kết 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công cũng như trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan để xây dựng Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), còn một số ý kiến liên quan đến phạm vi nợ công. Chẳng hạn, cần xác định nợ công có bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức kinh tế khác của nhà nước hay không.

Tương tự, cũng cần đưa các khoản nợ xây dựng cơ bản và nợ hoàn thuế GTGT và nợ bảo hiểm xã hội vào nợ công. Đồng thời, xác định nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thuộc nợ công hay không...

Liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là vấn đề nợ của doanh nghiệp nhà nước - vốn lâu nay được dư luận rất quan tâm và cho rằng, cần được tính vào nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ tính nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện. Đó là Chính phủ sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp; hoạt động thu chi của doanh nghiệp nhà nước được kết cấu trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; và Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.

Trong khi đó, theo lý giải của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ở Việt Nam, các khoản doanh nghiệp nhà nước vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong nợ công theo quy định của Luật (tính trong nợ Chính phủ và nợ Chính phủ bảo lãnh).

Còn đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay tự trả, doanh nghiệp nhà nước là công ty TNHH một thành viên, hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hoạt động thu chi của doanh nghiệp không gắn với dự toán ngân sách nhà nước. Các nhiệm vụ được nhà nước giao sẽ thực hiện thông qua đặt hàng hoặc tính vào giá, phí.

Ngoài ra, công tác huy động, sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp nhà nước còn chịu quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2014.

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn trong trả nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Đối với các khoản nợ tự vay tự trả, nếu gặp khó khăn thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp. Cụ thể là, “doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh”.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trường hợp doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn trả nợ thì xử lý theo quy định của Luật Phá sản, bình đẳng như đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác.

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã nhắc tới chuyện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội đã khẳng định “không sử dụng ngân sách nhà nước cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” và “không chuyển vốn vay, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước”.

“Do đó, việc quy định nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp, bám sát mục tiêu, quan điểm sửa Luật là thể chế hóa đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý sử dụng nợ công”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là quan điểm của cơ quan soạn thảo. Cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp tục sẽ có những ý kiến khác nhau.

Quốc hội lo nợ công tăng nhanh và bong bóng bất động sản
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ đã bày tỏ mối lo ngại khi thâm hụt ngân sách và nợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư