Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nợ ngàn tỷ, BISUCO phải bán đấu giá tài sản
Việt Hương - 28/08/2020 10:46
 
Với khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) đang buộc phải bán đấu giá tài sản để đảm bảo chi phí phá sản.
Công ty cổ phần Đường Bình Định đã đóng cửa, ngừng hoạt động trong gần 2 năm qua. Ảnh: V.H
Công ty cổ phần Đường Bình Định đã đóng cửa, ngừng hoạt động trong gần 2 năm qua. Ảnh: V.H

Vì sao BISUCO phải đóng cửa?

Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) đóng tại xã Tây Giang (Tây Sơn, Bình Định), từng được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành mía đường Bình Định, gần 2 năm qua, trên 300 cán bộ - công nhân viên của BISUCO như “rắn mất đầu”, khi ông chủ người Ấn Độ đột nhiên “mất tích”. Những người từng gắn bó trên 20 năm với BISUCO đang chạy đôn đáo, cầu cứu nhà chức trách để đòi quyền lợi.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, tháng 5/2019, có 327 công nhân của Công ty đã nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với BISUCO.

Trước đó, tháng 7/2018, Giám đốc BISUCO đã thông báo cho toàn bộ cán bộ - công nhân viên được nghỉ phép năm 2018 và nghỉ mùa vụ từ ngày 9/7/2018 cho đến khi có thông báo mới.

Từ đó đến tháng 5/2019, toàn bộ 327 cán bộ - công nhân viên của BISUCO không được trả lương, không được đóng bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp. Tính đến nay, BISUCO còn nợ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp của 327 cán bộ - công nhân viên gần 20 tỷ đồng. Tất cả công nhân đã gắn bó 22 năm với Công ty lâm vào cảnh khốn đốn, “đi không được, ở chẳng xong”.

Sau đó, BISUCO lâm cảnh nợ nần, nợ thuế, nợ đơn hàng…

Theo Chi cục Thi hành án huyện Tây Sơn, người đứng tên đại diện pháp luật của BISUCO là ông Arunachalam Nandaa Kumar. Ngoài “chạy làng” doanh nghiệp ở Bình Định, ông chủ người Ấn Độ này còn đứng tên một doanh nghiệp mía đường khác tại tỉnh Long An.

Được biết, BISUCO được thành lập năm 1995 và đã có một thời là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, trong đó có năm thu lãi hơn 200 tỷ đồng. Trong 8 năm sau đó, BISUCO chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, với vốn điều lệ 34 tỷ đồng.

Đến năm 2006, hơn 90% cổ phần tại BISUCO đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ), với tổng trị giá 93 tỷ đồng.

Giữa năm 2017, trong lúc BISUCO công bố triển khai dự án mở rộng, nâng cấp công suất chế biến đường lên 5.000 tấn mía nguyên liệu/ngày, thì ông Arunachalam Nandaa Kuma, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, người đại diện pháp luật của BISUCO lặng lẽ rời khỏi Việt Nam.

Giữa tháng 3/2018, UBND tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu BISUCO tạm dừng hoạt động sản xuất để thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại về bảo vệ môi trường, nhưng doanh nghiệp này không tuân thủ.

Ngày 15/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 1,9 tỷ đồng đối với BISUCO, do có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chậm khắc phục. Ngoài hình thức phạt tiền, quyết định nêu trên còn áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày để Công ty khắc phục sai phạm, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo việc xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường.

Cũng từ thời điểm đó, ông chủ của BISUCO... “biến mất”, để lại nhiều khoản nợ nần chồng chất. Kể từ tháng 7/2018 đến nay, BISUCO đã ngưng hoạt động, máy móc bị tháo tung, nhà máy để cỏ mọc um tùm.

Công ty nợ trên 1.000 tỷ đồng, đưa ra đấu giá gần 77 tỷ đồng

Theo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định, tháng 9/2019, TAND tỉnh này có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Đường Bình Định và chỉ định Công ty Hợp danh quản lý thanh lý tài sản Việt tham gia quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ phá sản này.

Trước khi "ôm" khoản nợ ngàn tỷ đồng, BISUCO từng được mệnh danh là "quả đấm thép" của ngành mía đường Bình Định, với công suất 2.000 tấn mía/ngày; là "bà đỡ" của nông dân Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 14/7/2020, TAND tỉnh Bình Định ra Quyết định số 3702 về việc bán đấu giá tài sản để đảm bảo chi phí phá sản tại BISUCO.

Đến ngày 3/8/2020, ông Mã Văn Trọng, Giám đốc Công ty Hợp danh Quản lý thanh lý tài sản Việt cho biết, đã ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản tại BISUCO.

Theo số liệu của TAND tỉnh Bình Định, tính đến tháng 12/2019, BISUCO nợ 23 đơn vị với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng (cả gốc và lãi), trong đó nợ Ngân hàng Standard Chartered hơn 876,7 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế - Chi nhánh TP.HCM hơn 98,8 tỷ đồng, Cục Thuế Bình Định 26 tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội huyện Tây Sơn hơn 7 tỷ đồng, Công đoàn BISUCO hơn 17 tỷ đồng (tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc của người lao động)…

Ngày 25/8/2020, TAND tỉnh Bình Định xác nhận, Công ty Hợp danh quản lý thanh lý tài sản Việt (ở TP.HCM) đã chọn Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group là đơn vị tổ chức đấu giá tài sản của BISUCO để giải quyết vụ việc phá sản của công ty này.

Theo thông báo đấu giá của Công ty Hợp danh quản lý thanh lý tài sản Việt, giá khởi điểm của dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất đường và phương tiện vận tải đã qua sử dụng của BISUCO là hơn 53,6 tỷ đồng; công trình xây dựng hơn 23,2 tỷ đồng (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất); tổng cộng gần 77 tỷ đồng.

Hiện các đơn vị liên quan đang tiến hành các thủ tục để công bố ngày tiến hành đấu giá tài sản liên quan đến BISUCO.

Hơn 680.000 tấn đường tồn kho, ngành mía đường chưa thoát lao đao
Tính đến ngày 15/4 lượng đường tồn kho đã lên tới 680.273 tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tiêu thụ chậm, giá đường đi xuống, khiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư