Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nợ vay của Phong Phu Corp giảm, nhưng áp lực còn lớn
Lâm Vũ - 11/11/2021 08:16
 
Cả doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2021 sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19, song Tổng công ty cổ phần Phong Phú (Phong Phu Corp) vẫn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.

9 tháng hoàn thành kế hoạch năm

Kết thúc quý III/2021, Phong Phu Corp đã ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Phong Phu Corp, trong quý III/2021, doanh thu thuần hợp nhất chỉ đạt 349,8 tỷ đồng, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm mạnh, giúp lợi nhuận gộp thu về đạt 55,8 tỷ đồng, chỉ giảm 8,2% so với quý III/2021.

Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 47,6%, lợi nhuận từ các đơn vị liên doanh, liên kết giảm đến 90% so với cùng kỳ năm 2020 đã kéo giảm lợi nhuận trước thuế từ 80,7 tỷ đồng trong quý III năm ngoái, xuống còn 15,27 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Ông Dương Khuê, Tổng giám đốc Phong Phu Corp cho biết, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, Công ty đã duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, làm chi phí tăng, trong khi sản lượng giảm 40-50% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng, Phong Phu Corp đạt 1.172 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế tăng 20%, đạt 298,8 tỷ đồng.

Phần tăng trưởng lợi nhuận này chủ yếu đến trong nửa đầu năm 2021, nhờ biên lợi nhuận gộp đạt 17,1%, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức vào cuối tháng 9/2021, lãnh đạo Phong Phu Corp đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất với 2.220 tỷ đồng doanh thu và 298 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, Tổng công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.

Bước sang quý IV/2021, tình hình kinh doanh của Phong Phu Corp có triển vọng tích cực hơn trong bối cảnh TP.HCM và các địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo Phong Phu Corp cũng cho biết, đơn hàng đã được chuẩn bị đủ cho quý IV/2021.

Nợ vay giảm, nhưng áp lực còn lớn

Bên cạnh lợi nhuận 9 tháng vẫn tăng trưởng bất chấp khó khăn trong quý III/2021, một điểm tích cực khác trong bức tranh tài chính của Phong Phu Corp là dòng tiền kinh doanh thặng dư 173,5 tỷ đồng, trong đó riêng quý III/2021 thặng dư 143,18 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư thặng dư 307 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản tiền thu từ lãi vay, cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 360,6 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với mức chi đầu tư vào tài sản cố định. Sự thặng dư này đã tạo nguồn lực để Tổng công ty giảm nợ vay. Dẫu vậy, dư nợ vay vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cấu trúc nguồn vốn của Phong Phu Corp.

Tính đến ngày 30/9/2021, dư nợ vay của Phong Phu Corp trên báo cáo hợp nhất là 1.350 tỷ đồng, chiếm 36,9% cơ cấu nguồn vốn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,76 lần.

Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ vay của Phong Phu Corp đã giảm 334,7 tỷ đồng, chủ yếu là giảm các khoản nợ vay ngắn hạn. Tuy vậy, tính đến ngày 30/9/2021, dư nợ vay của Tổng công ty trên báo cáo hợp nhất vẫn còn 1.350 tỷ đồng, chiếm 36,9% cơ cấu nguồn vốn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,76 lần. Trong đó, nợ vay dài hạn chiếm đến 70%.

Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, chi phí lãi vay là 33,5 tỷ đồng, dù đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tương đương 94% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, chưa bao gồm hoạt động tài chính và lãi từ các đơn vị liên doanh, liên kết.

Trong khi đó, phần doanh thu tài chính của Tổng công ty lại chủ yếu đến từ phần lãi chênh lệch tỷ giá, lãi trả chậm thanh toán. Phần lãi tiền gửi hầu như không đáng kể. Tính đến ngày 30/9/2021, số dư tiền và tương đương tiền của Tổng công ty là 114,5 tỷ đồng, chiếm 3,1% cơ cấu tài sản, Tổng công ty không có khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.

Phong Phu Corp hiện có 1 công ty con và 7 công ty liên kết trong lĩnh vực dệt may với chuỗi cung ứng khá hoàn thiện từ kéo sợi, dệt, nhuộm vải, may. Lợi thế từ sản xuất sợi cũng giúp Tổng công ty được đánh giá hưởng nhiều ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Tuy vậy, hiệu quả hoạt động của Tổng công ty trong những năm qua nhìn chung còn khá thấp, với doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính ít tăng trưởng, thậm chí sụt giảm. Dù góp vốn vào nhiều đơn vị trong ngành may mặc, nhưng đa phần trong số này có hiệu quả kinh doanh không cao, đóng góp của các công ty liên kết vào kết quả kinh doanh của Tổng công ty trong nhiều năm qua chủ yếu đến từ Công ty TNHH Coats Phong Phú. Đây là liên doanh sản xuất chỉ sợi giữa Phong Phu Corp và Tập đoàn Coats của Anh.

Ngoài các công ty liên kết, đến cuối quý III/2021, Tổng công ty còn 13 khoản đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác, nhưng khá nhiều doanh nghiệp trong đó cũng đang gặp khó khăn như CTCP Dệt may Gia Định - Phong Phú, CTCP Len Việt Nam, CTCP Sài Gòn Rạch Giá...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư