Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Nợ xấu cho vay đóng tàu 67 lên tới hơn 67%, riêng tại Bình Định là 98%
T.L - 19/07/2022 07:32
 
Đến cuối quý I/2022, tổng dư nợ cho vay theo Chương trình là 9.482​ tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,26%. Trong đó có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu trên 50%.

Thống đốc NHNN vừa có văn bản trả lời phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) về cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).

Theo trả lời của Thống đốc, từ năm 2014 đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020), với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.

Đến cuối quý I/2022, tổng dư nợ cho vay theo Chương trình là 9.482​ tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,26%. Trong đó có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu cao trên 50%, tại Bình Định tỷ lệ nợ xấu là 98%.

Trước thực trạng đó, để hạn chế nợ xấu phát sinh và hỗ trợ ngư dân trong quá trình vay, trả nợ ngân hàng, NHNN đã đưa ra một số giải pháp trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Cụ thể, NHNN đã có văn bản chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, NHNN chi nhánh 27 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng, hiệu quả hoạt động của từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng loại nguyên nhân; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xác định rõ nguyên nhân chủ tàu không trả nợ vay đúng hạn để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn chưa trả được nợ vay khi đến hạn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt,….

Đối với những khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của các Bộ, ngành, đơn vị khác làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của ngư dân (như tàu đóng mới kém chất lượng, năng lực khai thác yếu kém, ngư trường khai thác không thuận lợi, chính sách bảo hiểm chưa hiệu quả, chuyển đổi nghề khai thác,…), NHNN đã kịp thời nắm bắt và nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để xem xét xử lý, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo hiệu quả triển khai chương trình.

Theo Thống đốc, để xử lý những tồn tại, vướng mắc hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả hơn, cần triển khai đồng bộ các giải pháp với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp các đơn vị có liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo Nghị định 67.

Thứ hai, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại nguồn thủy sản, ngư trường, quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ tiền dầu, duy tu, bảo dưỡng.

Khi đồng vốn lênh đênh trên biển (kỳ 2): Ngân hàng cho vay “3 không”, bảo hiểm nhùng nhằng muốn rút
Nghị định 67/2014/NĐ-CP không chỉ đưa ra các chính sách tín dụng, mà còn có một loạt giải pháp đi kèm về đầu tư, bảo hiểm, thuế. Song cho đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư