Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nối dài hành trình đền ơn, đáp nghĩa
Hải Hà - 27/07/2018 08:53
 
Hành trình đền ơn, đáp nghĩa tiếp tục được nối dài, bởi dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng hiện vẫn còn hàng trăm ngàn ngôi mộ “chưa biết tên”, hàng chục ngàn hồ sơ người có công chưa được giải quyết, hàng ngàn chiến sỹ trở về mang trong mình vết thương chiến tranh, mưu sinh khó khăn…

Món nợ ân tình

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được thực hiện, nhưng trong pháp lệnh này và các chính sách ưu đãi đối với người có công hiện vẫn chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%.

.
.

Cùng với đó, theo một đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định hạn chế thân nhân liệt sĩ chỉ được hưởng tối đa 3 định suất không còn hợp lý trong điều kiện hiện nay, vì chưa đảm bảo công bằng hưởng chế độ theo mức độ, công lao đóng góp.

Trong thực tế, công tác xác nhận người có công với cách mạng cũng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là công tác khám giám định bệnh tật, xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; các đối tượng không còn giấy tờ gốc, người bị địch bắt tù đày… chưa được giải quyết triệt để.

Để giải quyết căn bản những hồ sơ tồn đọng chưa được xem xét xác nhận là liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn nhân chứng, hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng ở cấp tỉnh, quân khu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra giải pháp thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Tuy nhiên, 2 năm qua, mới có gần 1.900 liệt sỹ được công nhận, trên 2.500 thương binh được xác nhận hưởng chính sách như thương binh. Hiện, cả nước vẫn còn hơn 20.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận.

Nối dài hành trình tri ân

Phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo đó, cần tập trung chăm lo các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để người có công thuộc diện hộ nghèo.

Theo thống kê từ Cục Người có công, đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sỹ; 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 800.000 thương binh; 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…

Hàng năm, ngân sách nhà nước chi trên 30.000 tỷ đồng tiền chính sách ưu đãi dành cho người có công. Cùng với đó, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước. Từ năm 2013 - 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương và địa phương đã vận động được gần 5.218 tỷ đồng; phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước lên tới 63.523 sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng; xây dựng mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.

Để tiếp tục nối dài hành trình tri ân, tối qua (26/7), tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chính thức khai trương cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ như một nghĩa cử tri ân cao đẹp, tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sỹ tiếp cận thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ nhanh chóng, chính xác hơn; giúp thân nhân các gia đình liệt sỹ giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.

Liên quan tới đảm bảo quyền lợi cho người có công, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hàng năm, Chính phủ vẫn điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi dành cho người có công trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội, nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình họ có mức sống trên mức trung bình của xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho đối tượng chính sách nhưng vẫn đảm bảo chính xác; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hồ sơ xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và về công tác quản lý các chế độ, quản lý đối tượng.

Ông Lợi cũng cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách ưu đãi người có công.

“Mục tiêu của Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội đặt ra là đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh hành lang pháp lý, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Việc hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công sẽ tăng cường hiệu quả chế độ ưu đãi với mục tiêu quan tâm, chăm lo nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách”, ông Lợi nói.

“Đồng Lộc - Cõi thiêng bất tử”
Tại Chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc - Cõi thiêng bất tử” mừng kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2015) và 47 năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư