Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nối lại hội nghị giao thương Việt Nam - Trung Quốc sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Nhung Bùi - 12/01/2023 11:49
 
Từ ngày 10-13/01/2023, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ tới Việt Nam để thực hiện một loạt hoạt động xúc tiến kinh tế, thương mại.

Được biết, đây là hoạt động giao thương đầu tiên được nối lại giữa 2 nước, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trong vòng 3 năm qua.

Đoàn đại biểu kinh tế thương mại Quảng Tây lần này có tổng cộng 50 người, bao gồm đại diện Sở Thương mại, Hải quan Nam Ninh, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quảng Tây, Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Sở Giao thông vận tải, đại diện các đơn vị phụ trách thương mại của các địa phương thuộc tỉnh Quảng Tây và đại diện gần 30 doanh nghiệp trong các lĩnh vực như chế tạo máy, gia công nhôm, sản xuất xe hơi, hương liệu,….

Trong ngày 12/1/2023, Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) cũng được tổ chức dưới sự chủ trì của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương và Sở Thương mại Quảng Tây, Trung Quốc.

Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong ngày 12/01/2023.

Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai bên, trong đó có 3 hạng mục là Thỏa thuận hợp tác khung được ký kết bởi doanh nghiệp có vốn nhà nước; 5 hạng mục là hợp đồng đặt hàng hàng năm giữa các doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Giá trị các hợp đồng thương mại dự kiến có thể đạt 900 triệu Nhân dân tệ (hơn 3.120 tỷ đồng).

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương đánh giá trong nhiều năm qua, Quảng Tây đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại song phương giữa hai nước Việt – Trung. Dẫn thống kê của Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc, ông Sơn cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022 giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt 172,65 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 25,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây với thế giới. Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trên thế giới trong 23 năm liên tục.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước cũng gặp không ít những khó khăn”, đại diện Bộ Công thương nói thêm.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của Việt Nam với Quảng Tây đã sụt giảm nghiêm trọng. Trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc thông qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh giảm 68,7% so với cùng kỳ.

Từ đó, ông Tô Ngọc Sơn đề xuất Sở Thương mại Quảng Tây phối hợp với các cơ quan liên quan của phía Quảng Tây sớm hoàn thiện quy trình, quy định đối với người và hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, khôi phục trạng thái thông qua như trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị các doanh nghiệp hai nước tích cực tìm hiểu, tận dụng năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Cao Bằng, giảm bớt áp lực cho cửa khẩu khu vực Lạng Sơn, nhằm giảm thiểu rủi ro ùn tắc hàng hóa kéo dài như cuối năm 2021.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác tìm hiểu thông tin, quy định của phía Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa được thông quan thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”, đại diện Bộ Công thương nói thêm.

Về phần mình, ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây cho biết Quảng Tây sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên; mong muốn hoạt động giao lưu thương mại diễn ra rộng hơn, sâu hơn, mang lại thành quả phong phú hơn.

“Hiện nay, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam đã bước vào giai đoạn nâng cấp quan trọng. Chúng tôi mong muốn tận dụng cơ hội chuyến thăm Việt Nam lần này, với trọng điểm là thảo luận về hợp tác, xây dựng cơ chế, xúc tiến thương mại, nhằm mục tiêu quảng bá “Trạng thái Quảng Tây, Thực lực Quảng Tây” đến phía Việt Nam”, đại diện Sở Thương mại Quảng Tây cho biết.

Được biết, trong chuyến làm việc lần này, Đoàn đại biểu kinh tế và thương mại Quảng Tây sẽ thực hiện các hoạt động kinh tế và thương mại có liên quan tại Hà Nội và TPHCM. Ngoài ra, Đoàn sẽ thăm và làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam, Thương hội Trung Quốc tại Việt Nam, đồng thời thăm và khảo sát tại Khu Công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang.

Việt Nam trở thành đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc
Thương mại 2 chiều Việt Nam-Hàn Quốc trong năm 2022 đạt 87,7 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam gần 61 tỷ USD, theo Bộ Thương mại,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư