Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nỗi lo trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ
Mộc An - 10/11/2022 14:09
 
Giới chuyên gia đang rất lo ngại tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ, bởi người trẻ là xương sống của nền kinh tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê, hàng năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ và con số này đang có chiều hướng gia tăng. TS. Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, trước đây, cứ 6 người trên thế giới sẽ có 1 người bị đột quỵ, nhưng hiện nay cứ 4 người thì có 1 người bị đột quỵ, tuổi thường gặp là 50-60. Đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 10%.

Còn theo GS-TS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn giờ, không chọn không gian. Di chứng của đột quỵ để lại nặng nề. Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai, là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên thế giới. Nhiều người dù sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động.

Cùng chung lo lắng, PGS-TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, một nghiên cứu được thực hiện tại 10 trung tâm đột quỵ trên cả nước với số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất từ trước đến nay là 2.310 bệnh nhân, cho thấy độ tuổi đột quỵ trung bình của người dân Việt Nam là 65 tuổi. Trong đó, số bệnh nhân bị đột quỵ dưới 45 tuổi chiếm 7,2%.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nam giới gặp đột quỵ cao gấp 2,5 lần so với nữ, khác hoàn toàn với nước ngoài, khi nữ giới bị đột quỵ nhiều hơn. Các bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não chiếm 76%, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não là 24%. Ở nhóm đột quỵ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não có xu hướng tăng, chiếm 46%.

Cũng theo thông tin của PGS-TS. Mai Duy Tôn, các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là tăng huyết áp (tới 78%).

Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra một thông tin khá lo ngại khi số bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam đưa đến bệnh viện trong 6 giờ đầu mới đạt 33%. Trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu. So với nước ngoài, tỷ lệ này còn rất thấp.

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể trở về cuộc sống bình thường.

Ngoài sơ cứu không đúng cách, một vấn đề rất cần lưu ý là việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế quá chậm, dẫn đến mất cơ hội sống. Theo các bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trễ vẫn còn rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, ở xa trung tâm cấp cứu đột quỵ.

Theo giới chuyên môn, tuy có trọng lượng nhỏ, nhưng não người lại tiêu thụ ô xy nhiều nhất. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, song lại cần đến 20-25% lượng máu nuôi toàn bộ cơ thể. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức tại các cơ sở y tế có khoa cấp cứu đột quỵ để hạn chế tối đa những tổn thương về não.

Theo bác sỹ Phan Tuấn Trọng, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong tầm 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

Giới chuyên môn cảnh báo, sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục thay vì đưa ngay tới bệnh viện.

Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc Đông y... Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.

Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất.

“Hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, cúng bái; uống thuốc theo truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc” đại diện Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Nguy cơ đột quỵ do lạm dụng rượu bia, thuốc lá
Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ do lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư