Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 6/11: Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh đột quỵ
D. Ngân - 06/11/2022 09:46
 
Trung tâm Đột quỵ- Bệnh viện Bạch Mai vừa phối hợp Trường đại học Y Dược- Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022 với chủ đề “Thách thức và cơ hội”.

Theo các báo cáo khoa học hàng năm cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% các ca tử vong nói chung. Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. 

Đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở y tế trong cả nước tiếp tục cập nhật các kiến thức, kỹ thuật tiến bộ của các nước trên thế giới nhằm hoàn thiện hơn nữa các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho người bị đột quỵ, tập trung vào việc tăng cường hợp tác quốc tế - nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ đào tạo cũng như hợp tác triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực đột quỵ, đặc biệt quan tâm đến điều trị đột quỵ cho người trẻ là nhóm lao động chính trong xã hội.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là ứng dụng phục vụ hội chẩn từ xa trong những tình huống khẩn cấp nhằm tăng khả năng tiếp cận với điều trị đột quỵ cho người bệnh ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, xa các thành phố, các khu đô thị có các bệnh viện chuyên khoa sâu về lĩnh vực này.

Tiếp tục bổ sung, đào tạo nhân lực chuyên ngành đột quỵ, kiện toàn mạng lưới điều trị đột quỵ trên khắp cả nước hướng tới điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh.

Bên cạnh điều trị, cần nghiên cứu tăng cường đào tạo về phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của đột quỵ sau điều trị; đào tạo, nâng cao năng lực y tế các tuyến, tăng cường y tế cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng.

Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền về các yếu tố nguy cơ, kiểm soát yếu tố nguy cơ, tập trung vào tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là giảm tiêu thụ muối và nước ngọt, phòng chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá.

Hội nghị đột quỵ thế giới năm 2022 là nơi tập trung các nhà khoa học trong lĩnh vực đột quỵ đến từ các bệnh viện và các trường đại học y của các tỉnh thành trong nước và nhiều báo cáo viên nước ngoài là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về đột quỵ đến từ các quốc gia như Anh, Áo, Úc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, cùng với 1500 hội thảo viên từ khắp mọi miền đất nước trong đó có 700 hội thảo viên tham dự online.

Tại hội nghị có nhiều báo cáo cập nhật mới nhất về chẩn đoán điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng.

Trong hội nghị này, Trường Đại học Y Dược- ĐH Quốc gia Hà Nội công bố quyết định thành lập Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não được xây dựng trên cơ sở Trung tâm đột quỵ Bệnh viên Bạch Mai, đây là Bộ môn đào tạo chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên trên cả nước.

Cập nhật kiến thức điều trị bệnh lý cột sống

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ kết hợp Hội thảo cột sống quốc tế.

Đây là cơ hội để các nhân viên y tế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cập nhật kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong chuẩn đoán, điều trị và chăm sóc các bệnh lý liên quan.

Hội thảo chuyên đề cột sống quốc tế đã báo cáo 27 chuyên đề về cột sống, thần kinh, ung thư học chỉnh hình, phẫu thuật ít xâm lấn cột sống, các kỹ thuật điều trị vẹo cột sống với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình, cột sống đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã khám, phẫu thuật thị phạm 5 trường hợp cột sống được truyền hình trực tiếp đến đại biểu.

Các nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến là nhiệm vụ then chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển công tác điều trị, đào tạo, góp phần phát triển ngành y học nói chung và ngành y của Việt Nam nói riêng, giúp cho các bác sĩ, điều dưỡng phát huy được trí tuệ, năng lực sáng tạo, khả năng tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học công nghệ.

Quảng Ngãi: Nỗ lực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát

Trong tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 709 ca bệnh, tăng 336 ca so tháng trước. Để kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch bùng phát, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống như: đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, đặc biệt tại các công trình xây dựng, nhà trọ, khu phế thải.

Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, giám sát tại các điểm có nguy cơ về dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để dịch lan rộng kéo dài; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tổ chức triển khai các hoạt động diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết.

Huy động các ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực phối hợp cùng ngành y tế khẩn trương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản hằng tuần.

Phối hợp, hỗ trợ ngành y tế tổ chức phun hóa chất tại các hộ gia đình trong khu vực có ổ dịch; bảo đảm tiến hành đồng bộ các biện pháp theo đúng quy trình của chiến dịch (vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy triệt để trước khi tiến hành phun hóa chất).

Bố trí kinh phí để thực hiện bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương theo đúng quy định.

Tăng cường điều tra, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng quy trình, kỹ thuật theo hướng dẫn xử lý ổ dịch của Bộ Y tế.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế, phương tiện, trang thiết bị, khu vực cách ly, bố trí nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn.

S.I.S đầu tư 632 tỷ đồng xây trung tâm nghiên cứu, điều trị đột qụy tại TP.HCM
Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu điều trị đột qụy S.I.S TP.HCM sẽ được xây dựng tại Khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn 632 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư