Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nơi nào cán bộ nộp lại quà tặng nhiều nhất?
Nguyễn Lê - 16/10/2022 08:16
 
Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền 260,7 triệu đồng.
.
Ảnh minh hoạ.

Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng.

Thông tin trên được Chính phủ cho biết tại báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 vừa được gửi tới Quốc hội.

Chính phủ đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước.

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, theo báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động và rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng; đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2021); kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 299 trường hợp so với năm 2021).

Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng. Trong đó Đà Nẵng có 5 người với số tiền 131,1 triệu đồng; Trà Vinh 2 người với số tiền 4,2 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 5 người với số tiền 105,43 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu: 2 người với số tiền 20 triệu đồng.

Về kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Quá trình kiểm tra, xác minh cũng đã phát hiện một số vi phạm như tình trạng sai sót trong kê khai tài sản, thu nhập như sử dụng biểu mẫu chưa đúng quy định, nhiều trường hợp người kê khai còn chủ quan, không nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn, đồng thời cơ quan quản lý cán bộ chưa sâu sát trong việc hướng dẫn, kiểm tra, rà soát dẫn đến kê khai không đúng quy định.

Mặt khác, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 nên nhiều bộ, ngành, địa phương không tổ chức được các hội nghị tập trung để quán triệt, hướng dẫn cụ thể và lưu ý về những điểm mới trong việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người).

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó án khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so với kỳ báo cáo năm trước).

Tòa án Nhân dân các cấ giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó xét xử 410 vụ/945 bị cáo về các tội tham nhũng. Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 43 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 106 bị cáo; tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 232 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 516 bị cáo...

Về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo cho biết tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng. Trong đó số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Chính phủ nhìn nhận, thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ ở cơ sở còn khó khăn, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa được giám sát thường xuyên nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để.

"Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ", báo cáo nêu dự báo tình hình thời gian tới.

Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 1: “Quái vật” Việt Á thao túng quan tham
Con số gần 100 cán bộ từ nhỏ tới to, từ cấp chuyên viên đến cấp cao, thậm chí là Ủy viên Trung ương Đảng sa vào vòng lao lý liên quan đến đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư