Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nơm nớp lo thiếu điện
Thanh Hương - 06/06/2023 09:03
 
Liên tiếp những khuyến cáo như dùng ánh sáng tự nhiên nhiều hơn, tắt điều hòa, dừng thang máy ở những tòa nhà dưới 4 tầng trong giờ làm việc, hay việc ngừng/giảm cấp điện khẩn cấp tại Thủ đô hay các tỉnh phía Bắc… cho thấy, đảm bảo điện liên tục, ổn định đang trở thành vấn đề nóng.

Không còn công suất dự phòng

Phát biểu trước Quốc hội chiều 1/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, điện từ than, từ dầu, hay từ khí dù đắt hơn, phát thải carbon nhiều hơn trong ngắn hạn, nhưng do chưa có nguồn hoặc giải pháp thay thế, nên vẫn được duy trì và huy động để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Trên thực tế, đã có những ngày cuối tháng 5 vừa qua, trong sản lượng điện tiêu thụ của cả nước khoảng 800 triệu kWh/ngày, thì phần đóng góp của điện than lên tới 500 triệu kWh, còn điện từ gió và mặt trời là hơn 110 triệu kWh.

Không chỉ phải tiêu dùng nhiều điện sản xuất từ nhiệt điện than, khí, hệ thống điện tại thời điểm này được cho là không có dự phòng. Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tới hết năm 2022, hệ thống điện cả nước có 360 nhà máy đang vận hành (không kể các nhà máy thủy điện nhỏ), với tổng công suất 80.704 MW. Tuy nhiên, đây chỉ là công suất đặt, ngành điện quan tâm nhiều tới công suất khả dụng - nghĩa là huy động được bao nhiêu điện tại một thời điểm nhất định.

Công suất khả dụng bị tác động bởi thời tiết, phải có mưa, có nắng, có gió, thì thủy điện, điện mặt trời và điện gió mới có năng lượng để phát điện. Với các nhà máy điện dùng nhiên liệu than - khí - dầu, việc huy động các tổ máy phụ thuộc vào nguồn cung, giá nhiên liệu đầu vào và tình trạng hoạt động của các tổ máy cụ thể. Bên cạnh đó, việc truyền tải điện từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ còn phụ thuộc vào đường dây truyền tải.

Ở thời điểm cuối tháng 5/2023, khi tình trạng El Nino đang diễn ra, nước hồ thủy điện về ít do chưa đến mùa mưa, việc trông chờ vào nguồn thủy điện gặp nhiều khó khăn, bên cạnh việc suy giảm công suất do mức nước trong hồ chỉ còn thấp. Hiện cũng là mùa gió thấp nhất trong năm, nên dù có khoảng 5.000 MW công suất điện gió, nhưng chỉ huy động được khoảng 1.000 MW, tức là 20% công suất đặt. Ngoài ra, từ 18g hôm trước tới 7g hôm sau gần như mất toàn bộ 17.000 MW điện mặt trời, ngoại trừ vài trăm MW có lắp pin lưu trữ nên kéo dài được thêm vài tiếng.

Nếu tính một năm có 8.760 giờ, thì điện gió chỉ chạy được 2.000 - 3.000 giờ/năm, điện mặt trời chỉ từ 1.500 - 2.300 giờ/năm trong khi điện than, điện khí, điện chạy dầu theo thiết kế có thể chạy 6.000 - 6.500 giờ/năm, còn thủy điện có thể chạy 4.000 - 4.500 giờ/năm. Như vậy, việc trông chờ vào điện gió và điện mặt trời để ổn định nguồn cung là rất khó, nếu không có pin lưu trữ, đồng thời khiến chi phí sản xuất điện tăng gấp đôi.

Cùng lúc này, một số nguồn nhiệt điện như Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Vũng Áng 1 gặp những trục trặc về thiết bị, các nguồn nhiệt điện khác bị giảm công suất do nắng nóng. Tất cả những yếu tố trên khiến công suất khả dụng của hệ thống điện quốc gia và đặc biệt ở miền Bắc rơi xuống mức thấp.

Thậm chí, đại diện EVN cho biết, “công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia nhiều thời điểm thấp hơn nhu cầu điện. Và chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng”. Để cung cấp điện, EVN đã phải huy động đến những nguồn đắt tiền là nhiệt điện dầu diesel và FO có giá khoảng 4.000 đồng/kWh.

Nơm nớp lo thiếu điện

Năm 2022, đỉnh phụ tải cao nhất đã đạt 45.528 MW vào ngày 21/6/2022, cao hơn kỷ lục của năm 2021 là 3.100 MW. Theo quy luật này, năm 2023, đỉnh phụ tải có thể lên tới gần 49.000 MW. Ngày 19/5/2023, công suất hệ thống đã lên mức cao nhất từ đầu năm tới nay, với 44.600 MW, tiêu thụ sản lượng điện là 932 triệu kWh.

Đó là chưa tính tới thực tế mùa mưa đã bắt đầu ở miền Nam khiến nhu cầu tiêu thụ điện ở khu vực này giảm, hay khó khăn của nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, tiêu thụ điện cho sản xuất công nghiệp lớn suy giảm.

Tuy nhiên, El Nino vẫn đang diễn ra và sự cố các tổ máy nhiệt điện than ở miền Bắc chưa được khắc phục ngay tháng 6, khiến thách thức của hệ thống điện trong mùa nóng năm 2023 còn ở phía trước.

Không chỉ thách thức về đáp ứng điện của năm 2023, việc lo điện trong tương lai cũng đầy thách thức. Theo tính toán, hệ thống điện mỗi năm cần bổ sung 3.000 - 4.500 MW mới, nhưng việc đầu tư không được như mong đợi. Ngoài hơn 20.000 MW năng lượng tái tạo là điện gió và mặt trời được bổ sung trong năm 2019 - 2021 cho hệ thống điện quốc gia, các nguồn điện chạy ổn định, có số giờ hoạt động liên tục cao trong năm những năm gần đây không có mấy.

Đơn cử, năm 2023, sẽ chỉ còn 1.200 MW của Nhà máy Điện than BOT Vân Phong 1 vào hoạt động, sau đó không có thêm các nguồn lớn, mới, khiến áp lực cấp điện ngày càng cao.

Trong lúc đó, việc xây dựng các nguồn điện mới, lớn như điện khí LNG, hay điện gió ngoài khơi vẫn còn xa. Cụ thể, cả chục dự án điện khí LNG đã được bổ sung trong Quy hoạch Điện VII tới nay vẫn chưa thể xong bước chuẩn bị đầu tư, ngoại trừ Dự án điện Nhơn Trạch 3&4, nhưng cũng chưa biết bán điện kiểu gì.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ lắp tới công suất 7.000 MW vào năm 2030, thì hiện chưa triển khai được chút nào, vì vướng các quy định và chưa có chính sách rõ ràng. Việc nhập khẩu điện đã được thực hiện từ nhiều năm trước, với Trung Quốc từ năm 2010, với Lào từ năm 2016, nhưng sản lượng cũng chỉ ở mức 1% trong tổng số hơn 260 tỷ kWh điện sản xuất năm 2023. Chưa kể, việc nhập khẩu thêm cũng không dễ dàng, vì cần đầu tư đường dây hay phía bạn không bán nhiều.

Bởi vậy, giải pháp tiết kiệm điện đang được xem là thiết thực nhất để giảm bớt áp lực cấp điện - vốn ngày càng không dễ dàng.

Miền Bắc lại thấp thỏm lo thiếu điện mùa nắng nóng
Việc cấp điện tại miền Bắc những tháng tới dự kiến rất khó khăn do nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng nhanh và cao, trong khi lại không có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư