Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nông dân "chuẩn UTZ": Cực nhọc nhưng an lòng
Khánh Ngọc - 25/10/2018 11:33
 
UTZ (Hà Lan) - chứng nhận bền vững có mặt tại Việt Nam từ năm, bắt đầu là những vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên, sau đó lan dần đến hai loại cây ca cao và chè. Không chỉ chứng nhận cho quy trình sản xuất, UTZ còn chứng nhận cho các lĩnh vực khác như thu mua, chế biến…

Phúc Sinh là thương hiệu Việt Nam đạt được tiêu chuẩn UTZ từ quy trình sản xuất hạt cà phê cho đến khâu chế biến hạt cà phê thành thương phẩm trên thị trường. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group nói: “Để đạt được chứng nhận UTZ từ khâu trồng đến chế biến, Phúc Sinh và nông dân cùng chung mục tiêu vì chất lượng cà phê Việt trên thị trường nội địa và toàn cầu. Nhưng con đường thực hiện mục tiêu đó không hề dễ dàng. Công sức, mồ hôi, tiền bạc và cả niềm tin…”.

Phúc Sinh Group cùng bà con tham gia tập huấn UTZ
Phúc Sinh Group cùng bà con nông dân tham gia tập huấn UTZ

Vì uy tín hạt cà phê Việt Nam

Để có nguồn nguyên liệu sạch cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, Phúc Sinh đã cùng với nông dân vùng cà phê Buôn Hồ (Đăk Lăk) phát triển dự án phát triển cà phê bền vững UTZ.

Theo số liệu từ UTZ tại Việt Nam, Phúc Sinh là doanh nghiệp có diện tích cà phê tham gia dự án UTZ là 1.000,9 ha với sản lượng 3.362 tấn cà phê nhân (vụ mùa 2017), còn số lượng hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê theo chuẩn chất lượng UTZ là 897 hộ. Trong số này, theo ông Thông, hộ có diện tích tham gia ít nhất là 1 ha.

UTZ có mặt khá sớm tại Việt Nam, năm 2001. Cho đến nay, đây vẫn là chương trình chứng nhận chất lượng cà phê hàng đầu tại Việt Nam. “Để đảm bảo nguồn cung chất lượng và số lượng ổn định, Phúc Sinh đã đầu tư công tác tổ chức sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt, tạo lập hệ thống truy nguyên, chi trả tất cả các chi phí chứng nhận và cam kết với người nông dân sẽ mua sản phẩm của họ với giá cao hơn thị trường”, ông Thông nói.

“Chúng tôi thuê chuyên gia từ các nước có quy trình trồng cà phê theo hướng an toàn để tư vấn và đào tạo cho nông dân, theo dõi và đánh giá chi tiết từng hộ nông dân tham gia chương trình theo đúng tiêu chuẩn UTZ. Nếu họ đạt quy trình, chúng tôi sẽ thu mua nguyên liệu của họ với giá cao hơn thị trường; nếu chưa, chúng tôi lại tiếp tục đào tạo, huấn luyện cho đến khi nào đạt chuẩn”, ông Thông chia sẻ thêm.

Vụ mùa cà phê 2017 - 2018, theo thông tin chính thức từ Phúc Sinh, công ty đã hỗ trợ nông dân tham gia dự án trồng cà phê theo chuẩn UTZ số tiền 5 tỷ đồng. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất, các chuyên gia của Phúc Sinh “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người dân vùng cà phê Buôn Hồ. Không chỉ có vậy, ở những mùa vụ trước, và cả mùa vụ 2018 - 2019, Phúc Sinh thu mua nguyên liệu cà phê của nông dân UTZ có giá cao hơn mức giá chung thị trường từ 20 - 25%.

Các hộ nông dân tham gia UTZ tại buôn EA Đun, Đăk Lăk
Các hộ nông dân tham gia Chương trình trồng cà phê tiêu chuẩn UTZ tại buôn EA Đun, Đăk Lăk

Cực nhọc nhưng... an lòng

“Thay đổi thói quen sản xuất cà phê của nông dân một vùng cà phê có hàng trăm năm tuổi như vùng Buôn Hồ là một câu chuyện khổ cực kể cả nông dân và các chuyên gia của công ty, nhưng vì mục tiêu đã xác định cho hạt cà phê Việt Nam mà chúng tôi phải kiên trì nói chuyện và thuyết phục nông dân cùng làm theo quy trình mới”, ông Thông tâm sự.

Chị Bích Thụ, hộ nông dân tham gia Chương trình trồng cà phê tiêu chuẩn UTZ
Chị Bích Thụ, hộ nông dân tham gia Chương trình trồng cà phê tiêu chuẩn UTZ

“Mưa dầm thấm lâu”, “nói và làm là một”… dần dần người dân vùng cà phê Buôn Hồ đã tham gia dự án Phúc Sinh ngày càng đông hơn và tuân thủ những nguyên tắc của chứng nhận UTZ vì đặt niềm tin vào Phúc Sinh. Anh Phạm Thảnh, một nông dân ở xã Buôn H nói: “Người dân trồng cà phê Việt Nam lâu nay cứ nhìn cái lợi trước mắt mà không chú ý đến lâu dài. Ban đầu, khi được nói về dự án phát triển cà phê sạch, bền vững, rất ít người quan tâm vì lợi nhuận không cao. Cách đây 10 năm, tôi chỉ bón 1,5 tấn phân NPK/ha/năm nhưng thu được là 4 tấn nhân, còn hiện nay phải mất 3 tấn NPK/ha/năm cộng 2 tấn phân vi sinh mà chỉ thu 3,5 tấn nhân. Chứng tỏ đất đai đã bị bạc màu do tác động của phân vô cơ, còn sâu bệnh ngày càng nhiều… Khi được Phúc Sinh nói về dự án UTZ, ban đầu tôi cũng phân vân dữ lắm nhưng nghĩ đến tương lai, tôi gật đầu. Trồng cà phê theo UTZ rất cực phải không còn dựa vào thuốc trừ sâu, phân hóa học, hái và phơi theo đúng quy trình… Nhưng qua vài vụ rồi, thấy năng suất ngày càng tăng, giá ổn định và cao hơn giá trị thường từ 15 - 25% nên tôi và nhiều người dân tin vào Phúc Sinh, tin vào UTZ”.

Anh Phạm Thành, hộ nông dân tham gia Chương trình trồng cà phê tiêu chuẩn UTZ
Anh Phạm Thành, hộ nông dân tham gia Chương trình trồng cà phê tiêu chuẩn UTZ

“Cà phê sạch cần rất nhiều tiêu chuẩn nên sản xuất cực lắm nhưng giá thành cao hơn các loại cà phê khác, nên bây giờ làm cà phê UTZ quen rồi, nhìn thấy phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học là bực mình lắm. Tôi nghĩ, nếu sản xuất cà phê theo UTZ, giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Thông, một nông dân khác chia sẻ.

Người dân Buôn Hồ giờ đây đã biết về cà phê sạch, cà phê UTZ. Nhiều người dân thuộc sắc tộc Ê Đê cũng đã biết nghĩ: “Sản xuất cà phê như nhiều cán bộ nói, hôm nay làm được, con cháu cũng trồng được, không làm xấu môi trường”.

Theo lời ông Thông, trên thế giới đã có nhiều nơi thực hiện mô hình trồng cà phê UTZ, có nơi hiệu quả cao hơn nhưng cũng có vùng thấp hơn với cách sản xuất cũ. “Ở Việt Nam, qua trải nghiệm nhiều năm qua, tôi cho rằng, sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ hiệu quả hơn về năng suất nhưng hơn cả là cung cấp những kiến thức mới về canh tác, sử dụng thuốc, phân bón, tưới nước cho người dân trồng cà phê”, ông Thông nói thêm.

Cà phê UTZ hơn toàn diện…

Để hạt cà phê thơm ngon và an toàn với sức khỏe, phải đảm bảo quy trình sản xuất có trách nhiệm, như phân bón và thuốc trừ sâu được dùng vừa phải và đúng cách, con em của nông dân được đến trường học, người lao động được đào tạo kiến thức toàn diện từ quy trình canh tác cho đến môi trường, tiếp cận thông tin thị trường và xác lập các mối quan hệ với khách hàng, được cung cấp dịch vụ y tế và nhà ở…

Mỗi năm tổ chức UTZ sẽ đánh giá vườn cà phê một lần. Các chuyên gia  xuống từng hộ kiểm tra người dân có thực hiện quá trình sản xuất cà phê theo đúng các tiêu chí hay không, quy trình chế biến cà phê ướt, chỉ thu hái hạt cà phê khi đạt đến độ chín từ 95% trở lên; sau khi thu hoạch, cà phê được đưa vào bể chứa để làm sạch, sau đó dùng áp lực nước để loại trái cà phê không đạt chuẩn, sau đó được đưa vào máy tách vỏ thịt, đánh nhớt, cuối cùng đưa ra sân phơi làm bằng bê tông với thời gian không quá 24 tiếng. Hạt cà phê UTZ đáp ứng các thị trường “khó tính”: Nhật Bản, Tây Ban Nha, Phần Lan, Thụy Sĩ…với giá thành cao.

Cộng Cà phê phiêu lưu sang xứ sở kim chi
Lần đầu tiên xuất ngoại, Cộng Cà phê nhắm đến xứ xở kim chi và góp mặt vào ngành công nghiệp cà phê đang phát triển như vũ bão tại nước này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư