Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nữ bệnh nhân Covid-19 tử vong ở tuổi 50 dù không có bệnh nền
D.Ngân - 09/07/2021 17:30
 
Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa thông báo 5 ca tử vong của bệnh nhân Covid-19.

Ca tử vong 106 là bệnh nhân 15569 nữ, 50 tuổi, địa chỉ huyện Hóc Môn, TP.HCM, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý. 

Việt Nam đã có 110 bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Bệnh nhân tử vong ngày 4/7 (12 ngày sau khi phát hiện dương tính với Sars-Cov-2- PV) với chẩn đoán suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, tổn thương đa cơ quan.

Ca tử vong số 107 là bệnh nhân 13938, nữ 85 tuổi, Quận 1, TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não, nằm một chỗ đã lâu.

Ca tử vong số 108 là bệnh nhân số 20587, nữ 54 tuổi, địa chỉ ở Châu Thành, Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ. 

Ca tử vong số 109 là bệnh nhân 20026, nữ 43 tuổi, địa chỉ, Lấp Vò, Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường đang điều trị, Thalassemia đã cắt lách.

Ca tử vong số 110 là bệnh nhân 21623, nữ, 59 tuổi, địa chỉ: huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2.

Lý giải về việc tăng nhanh các ca bệnh Covid-19 tử vong, một số chuyên gia về hồi sức nhấn mạnh quá tải trong hệ thống trang thiết bị và năng lực y tế là nguyên nhân gây tử vong đối với người mắc Covid-19.

Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam nằm trong mức khá thấp. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan bởi nếu số ca nhiễm tăng cao, lực lượng hồi sức cấp cứu sẽ đuối sức.

Bên cạnh đó, theo thống kê những ngày gần đây tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 không có bệnh nền tử vong đang có dấu hiệu tăng. Trước đó, ngày 6/7, trong số 5 ca tử vong mà Bộ Y tế công bố có tới 3 ca không có bệnh nền.

Điều này chứng tỏ với biến chủng mới của Sars-Cov-2, không chỉ người già, người có bệnh nền mới có nguy cơ tử vong sau khi mắc Covid-19, mà cả người trẻ, người khỏe mạnh khi mắc Covid-19 đều có một phần không thể qua khỏi.

Về diễn biến dịch tại TP.HCM, số lượng ca nhiễm tăng liên tục trong mấy ngày qua là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh ở TP.HCM và Bình Dương có thể đã phát tán rộng vào cộng đồng. Hiện tại, dịch có tốc độ lây lan tăng vào khoảng hơn 10% sau mỗi ngày.

Dựa trên đồ thị số ca nhiễm hiện tại, chuyên gia dự báo trong vòng 30 ngày, từ 5/7 cho tới 5/8, lượng F0 chưa hồi phục cần được điều trị ở thành phố sẽ ở mức cao nhất, trên 12.000 giường bệnh.

Nhu cầu về số lượng giường bệnh vào khoảng ngày 22/7, có thể lên tới trên 13.000 giường, sau đó sẽ giảm dần. Đến cuối tháng 8, TP.HCM còn khoảng 8.000 ca phải nằm viện, tới ngày 12/10 còn khoảng 2.000 ca. Đến cuối tháng 10, hầu như không còn bệnh nhân F0, ngoại trừ một vài ca rất nặng.

TP.HCM đang triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh. Hệ thống điều trị được phân tuyến 3 cấp theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, bao gồm: Cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm TP).

Số người tử vong vì Covid-19 toàn cầu vượt 4 triệu
Số người chết trên toàn cầu do Covid-19 đã vượt quá 4 triệu, tính đến cuối ngày 7/7 trong khi số ca nhiễm nhanh chóng qua mốc 185 triệu, theo dữ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư