Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nữ giáo sư nặng lòng với vắc-xin Việt
D.Ngân - 20/10/2022 16:29
 
GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc-xin sử dụng cho người là người luôn nặng lòng với vắc-xin Việt.

Thành tựu trong việc sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho người của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao và một trong nhiều người làm nên thành công ấy chính là GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc-xin sử dụng cho người.

Ước ao những điều bình dị

Khi Hà Nội vào những ngày chớm đông, trong căn phòng làm việc của bà nơi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tôi được nghe chia sẻ của nữ giáo sư Nguyễn Thu Vân về nỗi vất vả của một người phụ nữ làm khoa học cũng như những điều còn đau đáu trong việc đưa công nghệ sản xuất vắc-xin của Việt Nam lên tầm cao mới.

GS.TSKH Nguyễn Thu Vân.

Theo lời GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, bà gắn bó với vắc-xin gần 50 năm, được trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau và may mắn được tham gia quá trình nghiên cứu phát triển hầu hết các loại vắc-xin, trừ một số loại mới nhất gần đây. 

Để phục vụ cho công việc, đầu thập niên 1990, bà được cử đi Mỹ và Nhật Bản để học tập kỹ thuật, nghiên cứu công nghệ sản xuất vắc-xin viêm gan B thế hệ thứ nhất từ huyết tương người. 

Sau quá trình học tập về Việt Nam, dù nắm được kỹ thuật, công nghệ, nhưng bà gặp nhiều khó khăn, cả khách quan và chủ quan khi triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, với vắc-xin viêm gan B thế hệ đầu tiên trên thế giới là loại vắc-xin được sản xuất từ huyết tương người lành mang kháng nguyên. 

Thời đó, hệ thống các viện huyết học, quản lý chất lượng và hệ thống thu thập máu trong nước chưa bài bản. Bà và đồng nghiệp phải đạp xe đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội, rồi đi khắp các viện có bộ phận quản lý thu thập máu từ Nam ra Bắc để tìm mua những đơn vị máu có kháng nguyên bảo đảm chất lượng về sử dụng

Khó khăn nữa là trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất cũng thiếu thốn, không tập trung, phải đi mượn, cậy nhờ các nơi. 

Lúc ấy, Viện Vệ sinh dịch tễ học (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) là đơn vị đầu ngành nhưng cả viện chỉ có một máy siêu ly tâm và đã được bà tận dụng linh hoạt chứ cũng không đúng chủng loại mình cần. 

Máy cũ nên anh chị em phải thay nhau trực 24/24 giờ để phòng khi máy đang chạy mà trục trặc. Thành quả của nỗ lực không mệt mỏi là sau gần 10 năm, đến năm 1997, vắc-xin phòng viêm gan B thế hệ đầu tiên Việt Nam sản xuất được cấp phép.

Cũng theo lời nữ giáo sư, với các yêu cầu khắt khe trong sản xuất vắc-xin, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, điều kiện sản xuất của Việt Nam những năm 1990 là không đạt yêu cầu để sản xuất vắc-xin sử dụng cho người. Điển hình là thời điểm sản xuất vắc-xin bại liệt.

Nhớ lại khi ấy, GS.TSKH Nguyễn Thu Vân cho biết thế hệ những người làm trong ngành sản xuất vắc-xin chịu sức ép rất lớn, từng phải đấu tranh căng thẳng giữa việc tiếp tục sản xuất với ngừng sản xuất.

Không chỉ vậy, bản thân các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng chịu nhiều sức ép từ phía bên ngoài. Sau những cuộc thanh, kiểm tra kéo dài mệt mỏi một kết luận được đưa ra là cơ sở sản xuất bại liệt không bảo đảm chất lượng yêu cầu, buộc phải ngừng sản xuất. 

Áp lực lúc đó là chất chồng buộc những cán bộ nghiên cứu hoặc là dừng lại hoặc bằng mọi cách phải chứng minh được rằng vắc-xin mà mình đang nghiên cứu bảo đảm chất lượng.

Trở ngại tiếp theo là dù bà có cố gắng để đưa ra kết quả thử nghiệm chứng minh vắc-xin an toàn nhưng quốc tế họ vẫn không công nhận. 

Khi ấy, bà và đồng nghiệp phải nhờ tới cán bộ WHO ở Tây Thái Bình Dương mang mẫu sang Nhật Bản để kiểm tra chất lượng.

Quá trình di chuyển để mang vắc-xin đi kiểm nghiệm cũng khó khăn, vất vả bởi đây là vắc-xin sống giảm động lực phải giữ ở nhiệt độ âm mà hành trình di chuyển thì dài. 

Sau hành trình gian nan mọi việc thuận lợi, kết quả đánh giá vắc-xin bại liệt do Việt Nam sản xuất được Viện Sức khỏe quốc gia Nhật Bản công nhận đạt tất cả các tiêu chuẩn theo yêu cầu. 

Từ kết luận của phía Nhật Bản mà WHO đã công nhận vắc-xin bại liệt của Việt Nam đạt chất lượng và chúng ta đã chính thức đưa vắc-xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Có năm, Việt Nam sản xuất tới 40 triệu liều, nên đã thanh toán được bệnh bại liệt và cứu hàng triệu trẻ em khỏi các vấn đề sức khỏe do bệnh gây ra.

Theo GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, bất kỳ loại vắc-xin nào khi nghiên cứu và sản xuất đều có những khó khăn nhất định song nếu khó khăn xuất phát từ yếu tố khoa học sẽ không làm khó được bà cùng đồng nghiệp nhưng những rào cản thuộc về chính sách hay tâm lý e ngại của cấp trên thì đó nằm ngoài khả năng của bà.

Như trường hợp nghiên cứu sản xuất vắc-xin H5N1, GS.TSKH Vân kể lại bà và đồng nghiệp đã nghiên cứu công nghệ mới trên tế bào thận khỉ tiên phát. 

Với vắc-xin này thế giới sản xuất bằng công nghệ trứng gà sạch có phôi nhưng Việt Nam khi đó chưa có điều kiện nuôi giống gà sạch để làm nghiên cứu. Bù lại nước ta có đảo khỉ, có kinh nghiệm nuôi cấy tế bào, nếu tận dụng được điều này sẽ rút ngắn được khoảng cách nghiên cứu.

Khi thế giới biết chúng ta nghiên cứu chủng mới, họ cử đoàn chuyên gia 5-6 người đầu ngành sang Việt Nam để phỏng vấn nhóm nghiên cứu.

Lúc đó, GS.TSKH Nguyễn Thu Vân là chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đứng ra trả lời về quy trình công nghệ, về nguồn nguyên liệu đầu là khỉ có được kiểm soát để bảo đảm tính an toàn hay không, tế bào đưa vào sử dụng có mang mầm bệnh của khỉ không. Sau khi chứng minh được bằng các căn cứ khoa học thì bà đã lấy được niềm tin của nhóm chuyên gia và cả các cơ quan quản lý.

Nhưng khi đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (lần đầu tiên áp dụng GCP theo quy định của quốc tế) thì nhóm của bà lại gặp khó khăn. 

Thời điểm đó có rất nhiều các ý kiến trái chiều của chính các đồng nghiệp khiến quá trình bảo vệ đề cương nghiên cứu phải mất rất nhiều thời gian mới được thông qua.

Bảo vệ trước hội đồng, có lần bà không kìm chế được cảm xúc mà bật khóc. Nhưng rồi thời gian cũng qua, bằng các nỗ lực không mệt mỏi với các đêm trắng miệt mài nghiên cứu bà và cộng sự đã chứng minh được tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc-xin phòng H5N1.

“Chưa trọn vẹn là đến nay H5N1 vẫn chưa được thương mại hóa nhưng với những thành công sẵn có, chúng ta đã có sẵn công cụ để có thể xử lý được những khủng hoảng nếu cần”, GS.TSKH Nguyễn Thu Vân nói.

Với vắc-xin Covid-19, so với thế giới theo Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc-xin sử dụng cho người, Việt Nam quá thiếu nguồn lực về mọi mặt nên chúng ta đã bắt đầu chậm hơn thế giới. 

Về các loại vắc-xin nói chung theo nữ giáo sư, nhìn vào những nước có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển họ đầu tư nguồn lực rất lớn, nhưng tại Việt Nam, tiền ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu vắc-xin rất hạn chế. 

“Chúng tôi từng nói nếu Nhà nước có cách nhìn, tiếp cận và đầu tư cho ngành sản xuất vắc-xin thì chắc chắn mình sẽ tiến xa hơn nữa, không kém các nước. Chúng tôi thường hay nói đùa với nhau, chúng tôi chỉ mong muốn có số tiền làm một km đường cao tốc để đầu tư cho lĩnh vưc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin ở Việt Nam, ngành vắc-xin Việt Nam sẽ phát triển hơn rất nhiều”, nữ Giáo sư nói.

Niềm vui bất tận của người làm khoa học

Làm khoa học là vất vả, nhưng cán bộ nữ làm khoa học còn vất vả hơn bội phần. Theo lời GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, ai đã lựa chọn theo đuổi đều sẽ vất vả, nhọc nhằn, đều có những ngày tháng quên ăn, mất ngủ trong phòng thí nghiệm, trăn trở đau đáu khi kết quả nghiên cứu chưa được như kỳ vọng. 

Bên cạnh khó khăn thì niềm vui của những người làm nghiên cứu khoa học đó là khi công trình nghiên cứu của mình có những kết quả khả quan, đạt được kỳ vọng và có tính ứng dụng trong thực tế, giúp ích cho cuộc sống con người.

Sau một quá trình dài làm nghiên cứu khoa học GS.TSKH Nguyễn Thu Vân nhận ra rằng không có điều gì vui hơn, giải thưởng nào cao quý hơn khi thấy những thành quả nghiên cứu của mình được cộng đồng đón nhận, có ích cho cuộc sống.

Trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học, bà đã nhiều lần chứng kiến những đồng nghiệp của mình phải dừng chân giữa đường vì nỗi lo cơm áo, vì gánh nặng gia đình. Nhưng bên cạnh đó cũng có người dừng lại vì cảm thấy bản thân không đủ đam mê. Bà cho rằng đó là điều khá bình thường với bất kỳ một công việc hay lĩnh vực nào trong cuộc sống, không riêng gì lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, để nói về bất cập, hạn chế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bà không thể không nói tới việc cơ chế chính sách tài chính còn khá gò bó, đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học còn nhỏ giọt, điều kiện phục vụ cho nghiên cứu khoa học ở nước ta còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết của nghiên cứu.

Theo lời Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc-xin sử dụng cho người, dù Đảng và Nhà nước luôn đặt mục tiêu coi khoa học là quốc sách hàng đầu, nhưng đầu tư về ngân sách cho khoa học công nghệ từ năm 2001 đến nay đang giảm dần, từ 1,8% bây giờ giảm chỉ còn hơn 1,4%. 

Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước nên có những giải pháp cụ thể đầu tư cho khoa học phải tương xứng. 

Cũng không nên để khoa học dù là quốc sách hàng đầu mà các nhà khoa học cứ phải trăn trở, vật lộn để chứng minh, bóc tách các khoản chi trong nghiên cứu. 

Chẳng hạn, với lĩnh vực nghiên cứu vắc xin nhiều năm qua dù đã được quan tâm hơn trước song khó khăn về kinh phí vẫn luôn đeo bám. 

Nói về công tác nghiên cứu khoa học nói chung và vắc-xin nói riêng theo GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, có một thực tế tồn tại từ lâu trong công tác nghiên cứu khoa học ở tất cả các ngành các lĩnh vực là sự đầu tư nghiên cứu dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm do vậy chưa tận dụng được các kết quả nghiên cứu một cách tốt nhất.

Không riêng bản thân bà mà rất nhiều nhà khoa học có tâm khác cảm thấy trăn trở, đau đáu khi nhiều công trình nghiên cứu được đầu tư tiền nhưng lại bị bỏ dở vì một nguyên nhân khách quan hay chủ quan nào đó. Hay tình trạng công trình nghiên cứu khoa học mất nhiều thời gian, kinh phí song lại không có tính ứng dụng thực tiễn, không thể thương mại hóa, thực sự rất lãng phí.

“Do vậy, khi quyết định đầu tư vào một đề tài nghiên cứu khoa học nào đấy, các cơ quan quản lý nên có sự cân nhắc, đầu tư trọng điểm, trọng tâm, có tầm nhìn chiến lược, đánh giá được những hiệu quả mà nghiên cứu khoa học mang lại cho cộng đồng để đầu tư xứng đáng”, GS.TSKH Nguyễn Thu Vân nói.

Với những cống hiến lớn trong nghiên cứu khoa học, GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc-xin sử dụng cho người, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã từng giành Giải thưởng Kovalevskaia dành cho Tập thể các nhà khoa học nữ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương năm 1999.
Bà cũng giành Giải thưởng cá nhân WIPO (World Intellectual Property Organization) - giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới dành cho công trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin Viêm gan A; Giải thưởng Vifotec dành cho vắc-xin viêm gan A, viêm gan B; Huân chương Lao động hạng 2, Huân chương Lao động hạng 3 do Chính phủ trao tặng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư